Chính phủ Việt Nam vừa thành lập một “tổ công tác đặc biệt” có nhiệm vụ “tháo gỡ khó khăn” cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trang Facebook chính thức của chính phủ loan báo hôm 31/8.
Tổ công tác này do một phó thủ tướng đứng đầu với 3 tổ phó là các bộ trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Thành phần của tổ công tác bao gồm lãnh đạo của 14 bộ và cơ quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, v.v…, theo trang Thông tin Chính phủ.
Tổ công tác có nhiệm vụ chủ động nắm thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân, đề xuất với thủ tướng phương hướng, giải pháp để “kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, có tính chất liên vùng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19”, cổng thông tin của chính phủ Việt Nam cho biết.
Bên cạnh đó, về phạm vi hành động, tổ công tác này có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, các tỉnh hoặc các cơ quan đó.
Việc lập tổ công tác đặc biệt kể trên diễn ra giữa lúc gần đây liên tục xuất hiện nhiều tiếng kêu cứu từ người dân và các doanh nghiệp gặp khó khăn về chăm sóc y tế, an sinh xã hội và kinh doanh do đại dịch cản trở hay gây gián đoạn các hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cũng như làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Như VOA đã đưa tin, trong gần hai tháng qua, tại nhiều tỉnh, thành thực hiện các lệnh giãn cách xã hội khắt khe, nhất là tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người dân kêu than họ ở trong tình trạnh quẫn bách, không có thu nhập, thiếu thốn thực phẩm, thuốc men, không được cứu chữa kịp thời; tiền, hàng cứu trợ chưa được trao cho họ hoặc được giao quá chậm chạp, nhỏ giọt.
Về phía các doanh nghiệp trong nước, gần đây nhất, một nhóm đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng lên mạng một thư ngỏ kiến nghị chính phủ giãn, miễn đóng bảo hiểm xã hội; giãn, giảm các loại thuế, và cung cấp ưu đãi lãi xuất vì họ “đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài”.
Tổng cục Thống kê của Việt Nam cho biết trong 8 tháng qua có 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong nước, trong đó, một nửa tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, một nửa đã và đang giải thể. Trong cùng thời gian, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, ít hơn đáng kể so với số doanh nghiệp rút ra.
Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, trong đó có Intel, cũng đã lên tiếng về những khó khăn họ gặp phải vì các biện pháp giãn cách, phong tỏa ở vùng tâm dịch trong một cuộc họp với lãnh đạo Tp.HCM hôm 20/8.
Đại diện của các doanh nghiệp ngoại nói rằng việc tuân thủ các quy định về giãn cách, phong tỏa làm chi phí hoạt động của họ tăng cao, điều này đã làm cho các đối tác của họ chuyển các đơn hàng sang các nước khác như Trung Quốc hay Singapore.
Một phó chủ tịch UBND Tp.HCM công nhận tại cuộc họp rằng “Hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải tạm ngừng sản xuất. Hàng trăm nghìn công nhân đã mất việc làm” và cũng bày tỏ lo lắng rằng “Nếu không có giải pháp kịp thời thì mối nguy đứt gãy chuỗi sản xuất là rất lớn”.
Dữ liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố, được báo chí dẫn lại hôm 31/8, cho thấy bức tranh kinh tế ảm đạm vì đại dịch.
Sản xuất công nghiệp của cả nước trong tháng 8 ước giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng cục cho biết.
Riêng tại những địa phương đang bị dịch bệnh hành hoành nặng nhất, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất giảm rất sâu, đó là Bến Tre và Đồng Tháp giảm xấp xỉ 60%, Tp.HCM giảm hơn 49%, Vĩnh Long giảm 41,5%, Tây Ninh và Sóc Trăng giảm trên 30%.
Vẫn theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước và giảm gần 34% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước.