Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói như vậy hôm 24/6 trong một cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về ý kiến cho rằng Việt Nam có sự phân biệt đối xử giữa người Việt Nam và người nước ngoài trong việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời bà Hằng nói thêm rằng “với mục tiêu tiến tới bao phủ tối đa các đối tượng được tiêm vaccine, đạt miễn dịch cộng đồng để đưa cuộc sống trở lại bình thường, vừa qua, Việt Nam đã tạo điều kiện, tiêm chủng miễn phí cho hơn 600 thành viên cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và thân nhân”.
Bà Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao “đang phối hợp với Bộ Y tế để thu xếp tiêm vaccine cho hơn 50 phóng viên và trợ lý báo chí các văn phòng báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam ngay vào đầu tuần tới”.
“Trên tinh thần nhân đạo, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, hỗ trợ để người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam được đảm bảo sinh hoạt bình thường, an toàn và được giám sát, chăm sóc y tế, điều trị tích cực trong trường hợp cần thiết”, bà Hằng nói, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
“Xin khẳng định, Việt Nam không phân biệt đối xử trong quá trình chăm sóc sức khỏe cũng như tiêm chủng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Công dân nước ngoài sẽ được tạo điều kiện tiêm chủng khi Việt Nam tiếp nhận thêm vaccine phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh”.
Thông tin đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam không cho biết rõ cá nhân hay tổ chức nào đã có ý kiến về sự phân biệt đối xử giữa người Việt Nam và người nước ngoài trong việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.
Theo Trung tâm về COVID-19 của Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ), tới ngày 24/6, Việt Nam đã tiêm 2.626.337 liều vắc-xin và 137.682 người đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm khoảng 0.14% dân số.
Dữ liệu của Trung tâm này cho thấy, đây là tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á.