Trước thông tin một số quốc gia quyết định đình chỉ tiêm vắc-xin AstraZenea của Anh vì chứng đông máu sau tiêm, Bộ Y tế Việt Nam hôm 12/3 khẳng định vẫn tiếp tục tiêm loại vắc-xin phòng ngừa COVID-19 này, và nhấn mạnh việc theo dõi các phản ứng sau tiêm, đảm bảo “an toàn” cho người dân.
“Đây là quy trình được Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy”, VnExpress dẫn lời Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nói.
Quan chức Bộ Y tế cho biết sau khi tiêm chủng, tất cả những người được tiêm vắc-xin được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi khi tiêm, còn người gặp phản ứng được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ.
Vắc-xin ngừa COVID-19 AstraZeneca do hãng dược Anh AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác nghiên cứu, phát triển. Vắc-xin này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/2.
Ngày 12/3, hàng loạt quốc gia trên khắp châu Âu và châu Á đình chỉ tiêm loại vắc-xin này sau khi có các báo cáo về một số trường hợp bị đông máu và một ca tử vong sau khi tiêm.
Thái Lan là quốc gia đầu tiên ở châu Á ngừng sử dụng vắc-xin AstraZeneca vào ngày 12/3 vì lo ngại an toàn, ngay sau khi Đan Mạch thông báo tạm dừng chương trình tiêm vắc-xin trên toàn quốc trong vòng hai tuần lễ.
Tám quốc gia châu Âu khác sau đó cũng đã đình chỉ việc sử dụng vắc-xin AstraZeneca, bao gồm Na Uy, Iceland, Bulgaria, Luxembourg, Estonia, Lithuania và Latvia.
Trong khi đó, Áo và Ý cho biết họ sẽ ngừng sử dụng một số lô vắc-xin nhất định như một biện pháp phòng ngừa.
Cơ quan quản lý dược phẩm của châu Âu (EMA) hôm 11/3 nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy vắc-xin AstraZeneca gây ra chứng đông máu, đồng thời nhấn mạnh rằng lợi ích của loại vắc-xin này là “vượt trội hẳn so với nguy cơ”.
Theo EMA, việc tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca vẫn có thể tiếp tục thực hiện trong khi việc điều tra về các trường hợp đông máu đang diễn ra.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 12/3 cho biết Uỷ ban cố vấn của tổ chức này hiện đang nghiên cứu, xem xét vắc-xin AstraZeneca, nhưng “không có lý do gì để không sử dụng nó”. Reuters dẫn lời phát ngôn viên của WHO, Margaret Harris, nói trong một cuộc họp báo ngày 12/3 rằng đây là một “loại vắc-xin tuyệt vời” và không có mối liên hệ nào được chứng minh giữa vắc-xin và các báo cáo về trường hợp đông máu.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt sử dụng vắc-xin AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh.
Sau khi lô vắc-xin AstraZeneca đầu tiên được nhập về vào ngày 24/2, Việt Nam hiện đang bước sang ngày thứ 5 của chương trình tiêm vắc-xin của Anh cho người dân.
Tin cho hay có khoảng 1.600 người, là các nhân viên y tế tuyến đầu, ở 9 tỉnh thành của Việt Nam đã được tiêm mũi đầu tiên, nhưng chưa ghi nhận trường hợp bị đông máu nào, mặc dù có một số trường hợp gặp phản ứng phụ sau khi tiêm như đau, sưng ở chỗ tiêm, bồn chồn, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, đau cơ…, đều là các phản ứng thông thường đã được khuyến cáo.
“Việt Nam vẫn triển khai tiêm như kế hoạch và tiếp tục theo dõi các phản ứng sau tiêm”, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam, Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thông báo với báo chí vào ngày 12/3.
Tính đến tối 12/3, Việt Nam báo cáo có 2.550 ca nhiễm virus corona, trong đó có 17 ca mới ghi nhận trong ngày, gồm 4 ca tại Hải Dương và 13 ca nhập cảnh.