Đường dẫn truy cập

Vấp áp lực của Trung Quốc, tàu khoan dầu rời Việt Nam


Hãng Repsol có trụ sở ở Madrid, Tây Ban Nha.
Hãng Repsol có trụ sở ở Madrid, Tây Ban Nha.

Tàu khoan dầu gây tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông đã về đến vùng biển ngoài khơi cảng Labuan của Malaysia, theo dữ liệu hàng hải của hãng tin Thomson Reuters Eikon hôm 14/8.

Tàu khoan dầu Deepsea Metro I đã ngưng hoạt động tại Lô 136/3 của Việt Nam hồi tháng trước, sau khi Trung Quốc gây áp lực, cho rằng khu vực mà hãng Repsol của Tây Ban Nha được nhượng quyền khai thác nằm trong phần chồng lấn của các tuyến đường thủy mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Theo dữ liệu hàng hải của Thomson Reuters Eikon, tàu khoan dầu này do công ty Odfjell Drilling Ltd. của Na Uy sử dụng, được biết là đang ở khu vực đảo Labuan lúc 9h17 sáng (giờ 0117 GMT). Dữ liệu mới nhất cho biết rằng tàu này có mặt tại địa điểm khoan dầu là vào ngày 30/7.

Công ty Odfjell Drilling chưa có phản hồi tức thời về yêu cầu bình luận của Reuters.

Vấn đề khoan dầu gây căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì cả hai quốc gia đều tuyên bố có chủ quyền ở khu vực này. Hiện có 5 quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Hồi tháng trước, hãng Repsol nói việc khoan dầu đã bị đình chỉ sau khi công ty đã chi 27 triệu đôla cho giếng dầu này. Đồng chủ sở hữu của lô này là một công ty dầu khí của Việt Nam và Công ty phát triển Mubadala của Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất.

Khu vực này nằm bên trong đường "chín đoạn" hình chữ U do Trung Quốc tự vạch ra để tuyên bố lãnh hải.

Cũng theo Reuters, Trung Quốc đã thúc ép ngừng hoạt động thăm dò và một nguồn tin ngoại giao thân cận trực tiếp với sự việc này nói rằng quyết định đình chỉ khoan dầu đã được thực hiện sau khi một phái đoàn Việt Nam tới thăm Bắc Kinh.

Việt Nam chưa bao giờ xác nhận việc khoan dầu đã bắt đầu hay bị đình chỉ, nhưng tháng trước lên tiếng bảo vệ quyền thăm dò dầu khí trong khu vực.

Việt Nam đã nổi lên, trở thành nước phản đối mạnh mẽ nhất tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, là nơi lưu thông của tuyến hàng hải trị giá hơn 3 nghìn tỷ đôla hàng năm. Trung Quốc cũng tức giận trước quan điểm của Việt Nam tại một hội nghị khu vực vào tuần trước.

Khi đó, Việt Nam duy trì quan điểm về ngôn ngữ cứng rắn hơn liên quan tới việc bồi đắp các hòn đảo và chỉ trích việc quân sự hóa ở Biển Đông trong bản thông báo của các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (gọi tắt là ASEAN).

Vấp áp lực của Trung Quốc, tàu khoan dầu rời Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:08 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG