Một nhóm các giáo viên, những người phục vụ trong ngành giáo dục ở Việt Nam, đang vận động để thành lập Hội Giáo Chức Chu Văn An, nhằm “chấn hưng” tình trạng giáo dục ngày càng xuống cấp nghiêm trọng tại Việt Nam.
Trong thư vận động gửi lên mạng xã hội vào ngày 1/12, ban vận động cho biết họ lựa chọn tên Chu Văn An để nói lên hoài bão của hội là “góp phần chấn hưng tình trạng xuống cấp của hệ thống giáo dục hiện nay”, đồng thời “góp phần giải quyết những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai của đất nước”.
Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng, nguyên giảng viên trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại, thành viên trong ban vận động thành lập hội, nói chính những bất cập và cơ chế hiện nay là nguyên nhân của tình trạng giáo dục xuống cấp.
“Là những người có lương tâm, chúng tôi không thể im lặng và thụ động. Tuy nhiên nếu để từng tiếng nói riêng lẻ thì mọi người sẽ bị trù dập, làm cho những tiếng nói đó rơi vào khoảng không, không có tác dụng.”
Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng cho biết ý tưởng thành lập hội đã có từ lâu, xuất phát từ những trăn trở trong những lần gặp mặt của những người làm công tác giáo dục giống như ông. Tuy nhiên để có được những người dám tham gia vào quá trình vận động hay trở thành hội viên của hội là điều không dễ dàng. Rất nhiều giáo viên đã phải “trả giá” đắt cho những cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục. Bị trù dập, đuổi việc, cô lập, thuyên chuyển công tác… là những hậu quả mà các giáo viên thường phải gánh chịu sau khi đấu tranh cho một nền giáo dục tốt đẹp hơn.
“Tìm ra được những người dám đứng ra để vận động cũng đã khó rồi, chứ chưa nói là làm gì khác”, ông Vũ Mạnh Hùng cho biết.
Mô hình tổ chức cũng như hoạt động của hội, theo ông Vũ Mạnh Hùng, sẽ do những người tham gia sau này định đoạt.
“Mô hình như thế nào thì do những người tham gia sau này đóng góp ý kiến, sau đó chọn ra những ý kiến đúng đắn và xây dựng thì chúng tôi tiếp thu và hình thành (mô hình)”.
Ngoài nhà giáo Vũ Mạnh Hùng, ban vận động gồm có những nhà giáo được nhiều người biết tiếng vì những hoạt động chống tiêu cực, bất công như nhà giáo Đỗ Việt Khoa, Tô Oanh, Vũ Hùng, Vi Đức Hồi, Phạm Minh Hoàng.