Một bạn trẻ ở Hà Nội cho biết hôm nay, 26/8, đã bị yêu cầu lên gặp công an sau khi đăng ảnh cầm tấm biển có nội dung: “Học sinh, sinh viên, không phải là chuột bạch”, trước cổng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Bức ảnh kèm theo câu hỏi “năm nay, không biết sẽ có bao nhiêu bi kịch liên quan đến thi cử” mà Nguyễn Thành Nhân đưa lên Facebook sau đó đã được nhiều người ‘share’ lại trên mạng xã hội này.
Đoạn “status” (dòng trạng thái) của Nhân còn có đoạn: “Có bao nhiêu bậc cha mẹ phải cơm ăn cơm dở đưa con đi thi đại học, sau khi đã làm lụng, đã vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng để nuôi con đèn sách? Có bao nhiêu gia đình lục đục, đổ vỡ vì đứa con không thi đậu đại học? Có bao nhiêu cô cậu thí sinh cay đắng, tự ti, suy sụp vì thất bại? Liệu sẽ có trường hợp nào tự tử?”
Nhân viết tiếp: “Này Bộ Giáo dục và Chính phủ Việt Nam, học sinh - sinh viên chúng tôi không thể cứ mãi là chuột bạch cho các cuộc thử nghiệm vĩ đại của các vị đâu”.
Trong cuộc “làm việc” với công an phường Yên Hòa ở Hà Nội, Nhân cho biết đã “bị hỏi về bức ảnh mà em đã chụp và những nội dung đã đăng tải trên Facebook”.
Cậu cho biết tiếp: “Em nhận là em làm, và cái nội dung đó, hình ảnh đó không có liên quan tới luật pháp vì em không sai. Bên họ bảo là, vì những vấn đề em làm, thì rất là nhiều bên khác đã lợi dụng những hình ảnh và nội dung của em để có những mục đích xấu. Đó là mục đích chính mà hôm nay họ làm việc với em”.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh ngành giáo dục ở Việt Nam đang chịu sức ép lớn từ dư luận xã hội, nhất là sau kỳ xét tuyển đại học bị coi là “lộn xộn” và “gây phiền hà” cho người dân.
Trước vụ cầm biển phản đối của Nhân, mới đây, tuyên bố “giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá thối nát rồi” của một cậu bé học lớp Tám đã được nhiều người tán thưởng.
Nhiều nguồn tin cho VOA Việt Ngữ biết rằng cậu bé 14 này đã phải “chịu áp lực lớn” sau lời phát biểu được coi là “gãi đúng chỗ ngứa” của dư luận.
Em nhận là em làm, và cái nội dung đó, hình ảnh đó không có liên quan tới luật pháp vì em không sai. Bên họ bảo là, vì những vấn đề em làm, thì rất là nhiều bên khác đã lợi dụng những hình ảnh và nội dung của em để có những mục đích xấu. Đó là mục đích chính mà hôm nay họ làm việc với em.Nguyễn Thành Nhân nói.
Dù gặp phiền hà với chính quyền, Nguyễn Thành Nhân cho VOA Việt Ngữ biết cậu hy vọng các bạn thí sinh, các bạn trẻ chuẩn bị bước chân vào đời hiểu được rằng họ “có quyền phản biện chính sách, có quyền tham gia vào tiến trình ra quyết định trong các vấn đề lớn của đất nước”.
Nhân nói thêm: “Năm nay Bộ Giáo dục có một cải cách mới, nhưng mà có nhiều vấn đề bất cập liên quan tới các em học sinh, sinh viên cũng như liên quan tới các bậc phụ huynh nữa. Cho nên em muốn là qua sự việc này em mong muốn các bạn học sinh, sinh viên khi thấy các chính sách của Bộ Giáo dục đưa ra mà sai hoặc bất cập thì các bạn ấy cần phải lên tiếng. Đó là cái mong muốn của em”.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với lãnh đạo công an phường Yên Hòa để phỏng vấn.
Sau “sự cố” gặp phải với công an, nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Nguyễn Thành Nhân bằng cách chụp những bức ảnh đang giơ cao biểu ngữ “học sinh, sinh viên không phải là chuột bạch”.
'Sẵn sàng trả giá'
Nhân cho biết sự ủng hộ đó cho thấy “hành động và việc làm của em như thế là đúng” và “em thấy vui”.
Ngoài phản đối Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, vừa qua, Nhân cũng tham gia vào chiến dịch ngăn chặt cây xanh ở Hà Nội.
Những ngày qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã lên tiếng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào Tạo Việt Nam Phạm Vũ Luận từ chức, sau khi ông nhận trách nhiệm về các bất cập trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên mà ông gọi là “trận đánh lớn” và “sẵn sàng trả giá”.
Hơn một chục nghìn người đã “like” (thích) trang Facebook có tên gọi “Chúng tôi yêu cầu cách chức ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận”.
Một “status” trên trang này viết: “Ông Luận là 'tư lệnh ngành' Giáo dục, ông coi cải cách giáo dục lần này là 1 trận đánh lớn và ông thừa nhận đã có sai sót và xin rút kinh nghiệm. Như thế là chưa đủ. Dây kinh nghiệm không đủ dài cho ông rút. Yêu cầu ông từ chức, nếu không ông sẽ phải bị cách chức”.
Trước đó, báo chí trong nước dẫn lời người hiện đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam tuyên bố nhận trách nhiệm về những bất cập trong đợt xét tuyển đại học đầu tiên gây phiền hà, tốn kém cho người dân.
Truyền thông trong nước những ngày qua đã tốn nhiều giấy mực để viết về đợt “cải tổ giáo dục” này.
Có thể đọc được những hàng tít như: “Kiệt sức với xét tuyển đại học”, “Vỡ trận xét tuyển đại học”, “Thuê xe cấp cứu đi rút hồ sơ đại học” hay “Phụ huynh bật khóc ngày cuối xét tuyển đại học”.
Trong khi đó, trả lời VOA Việt Ngữ, ông Trần Xuân Nhĩ, cựu Thứ trưởng Giáo dục & Đào tạo Việt Nam, nói rằng việc tổ chức xét tuyển như vừa qua “đỡ tốn kém hơn trước”.
“Tuy nhiên việc tuyển sinh đợt một khá lộn xộn, và Bộ trưởng Giáo dục đã nhận trách nhiệm về mình rồi đấy,” ông Nhĩ nói.
Về lời kêu gọi ông Luận từ chức của cư dân mạng, cựu quan chức giáo dục nói: “Bây giờ mới một việc như vậy mà đã yêu cầu từ chức thì chưa nên, chưa hay lắm. Nên để xem Bộ trưởng có sự sửa đổi như thế nào đã”.
Trước đây, nhiều cư dân mạng ở Việt Nam cũng đã từng mở chiến dịch kêu gọi Bộ trưởng Y tế từ chức sau khi nhiều trẻ em tử vong vì tiêm vaccine.