Đường dẫn truy cập

Sài Gòn sẽ có ‘phố đèn đỏ’?


Hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý trên cả nước là hơn 11.000 người, nhưng có ý kiến cho rằng con số trên thực tế còn cao hơn nhiều do đây là hoạt động 'khó kiểm soát'.
Hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý trên cả nước là hơn 11.000 người, nhưng có ý kiến cho rằng con số trên thực tế còn cao hơn nhiều do đây là hoạt động 'khó kiểm soát'.

Một quan chức TP HCM mới đề xuất gom các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” vào một khu riêng để ngăn chặn tệ nạn mại dâm bùng phát ngoài tầm kiểm soát.

Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, đề xuất rằng chính phủ nên có chỉ đạo thí điểm việc đưa các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” vào một khu vực để tăng cường quản lý ở một số thành phố trọng điểm như Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng.

Ông Quý được báo chí trong nước trích lời nói tại cuộc họp về công tác phòng chống tệ nạn xã hội rằng việc xóa bỏ nạn mại dâm là “điều không thể”, và “không thể chống mãi được vì dẹp chỗ này chỗ khác lại mọc lên nên phải thay đổi cách thức để dễ quản lý”.

Về đề xuất này, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng, Cục phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao Động, Thương binh & Xã hội, cho VOA Việt Ngữ biết rằng cơ quan chức năng sẽ sớm tiến hành xem xét. Ông nói thêm:

“Tất cả những ý kiến đó cũng được ghi nhận, và sẽ đưa ra để bàn bạc để xem xét. Sắp tới, các cấp họp sẽ bàn luận chuyện đó xem như thế nào.”

Họ [các lao động làm các 'dịch vụ nhạy cảm'] sẽ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được phổ biến kiến thức để tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV/AIDS.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, nói.

Báo chí trong nước dẫn số liệu của chính quyền cho biết hiện có gần 100 nghìn cơ sở kinh doanh trên cả nước được cho là 'dễ phát sinh tệ nạn mại dâm' với gần 60.000 nhân viên nữ làm việc."

Hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý trên cả nước là hơn 11.000 người, nhưng có ý kiến cho rằng con số trên thực tế còn cao hơn nhiều do đây là hoạt động “khó kiểm soát”.

Trong khi đó, ông Hiền cho rằng Việt Nam đã làm nhiều việc để ngăn chặn nạn mại dâm:

“Về các doanh nghiệp dịch vụ xã hội, cũng có rất nhiều các biện pháp như phổ biến chính sách pháp luật, phòng chống mại dâm, rồi ký cam kết. Khi cấp giấy phép, các cơ quan chức năng đảm bảo yêu cầu về ánh sáng, về phòng ốc, về ký hợp đồng lao động và các vấn đề liên quan. Chính quyền sở tại cũng thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở, xử phạt rồi có nhiều biện pháp về quản lý.”

Trong khi đưa ra đề xuất, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM cho rằng việc đưa các cơ sở kinh doanh “dịch vụ nhạy cảm” vào một khu riêng sẽ giúp giám sát các lao động làm việc trong các cơ sở đó cũng như giúp họ “đảm bảo quyền lợi, tránh bị bạo hành và nhất là được pháp luật bảo vệ”.

“Ngoài ra, họ sẽ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được phổ biến kiến thức để tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV/AIDS,” ông Quý nói thêm.

Đề nghị mới này, theo dự liệu, sẽ làm bùng ra lại cuộc tranh luận về vấn đề có nên hợp pháp hoá hoạt động mại dâm hay không, một cuộc tranh luận đã có từ nhiều thập niên nay ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.

Truyền hình vệ tinh VOA 22/8/2015
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG