Do hai đặc điểm phi thời gian, phi không gian và tự đầy đủ của thơ đã được nêu lên trong bài trước, thế giới thơ hay thế giới văn học nói chung là một thế giới riêng, khác, khép kín và biệt lập với cái hiện thực đời thường của chúng ta.
Trong thế giới ấy có Thuý Kiều, có người kỹ nữ ở Long Thành của Nguyễn Du, có Dũng và Loan của Nhất Linh, có Nguyễn và chị Hoài của Nguyễn Tuân, có Chí Phèo và Thị Nở của Nam Cao, có anh Bốn Thôi của Võ Phiến, có ông đồ của Vũ Đình Liên, có các tiên nga của Thế Lữ, có người ly khách chí lớn không về bàn tay không của Thâm Tâm, có người kỹ nữ và những thanh niên rạo rực, quay quắt nhớ nhung của Xuân Diệu... Đông vô kể. Có khi đó là những người có chân dung, có tiểu sử đàng hoàng. Có khi đó là những người vô danh mang một khối tâm sự não nề hoặc một tâm trạng xôn xao. Trường hợp trên đến từ những tác phẩm tự sự, có chuyện, có nhân vật. Trường hợp dưới đến từ những tác phẩm trữ tình, chỉ nhằm khắc hoạ một nỗi niềm. Tất cả đều có đời sống riêng, có “quốc tịch” riêng. Cho dù nước mắt của họ có khi tràn vào mắt chúng ta, họ vẫn không bao giờ ra khỏi thế giới của họ. Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử mãi mãi êm đềm và quạnh hiu với những chiếc thuyền chờ trăng, những lá trúc che ngang mặt chữ điền, những sương khói mờ nhân ảnh. Người kỹ nữ của Xuân Diệu sẽ mãi mãi nghe những tiếng gà xao xác gáy, mãi mãi nhìn vầng trăng khuya lạnh buốt và mãi mãi nghe buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn. Những người lính tiếp viện của Tô Thuỳ Yên sẽ mãi mãi đứng bên này sông chờ đò, mãi mãi ngắm bầu trời mốc, buổi chiều mập mờ, dáng cò xiêu lạc và mãi mãi ngẫm nghĩ đến một con đường đáo nhậm xa như nhớ. Mãi mãi.
Như thế, ở khía cạnh này - và chỉ ở khía cạnh này - phần nào tôi đồng ý với quan điểm của nhóm Phê Bình Mới tại Hoa Kỳ. Trong bài tiểu luận nổi tiếng viết về bài “Ode on a Grecian Urn” của Keats, Cleanth Brooks, một đại biểu của Phê Bình Mới, chua thêm phụ đề: “Lịch sử không có chú thích” (History without footnotes). Một cách nói hay. Thơ, nhìn từ một góc độ nào đó, cũng là một thứ lịch sử không có chú thích. Lịch sử không có chú thích, theo cách diễn giải của Jerome J. McGann, thật ra, không hẳn là lịch sử: nó chỉ là một huyền thoại, một câu chuyện đặt ra ngoài thời gian và khung cảnh cụ thể, một cái gì diễn ra trong vùng huyễn địa (never-never land) của cái bây giờ chúng ta gọi là văn bản (1). Tuy nhiên, khác với quan điểm của các nhà Phê Bình Mới, tôi nghĩ, ở cấp độ này - xin nhắc lại: chỉ ở cấp độ này - bài thơ chỉ là một thế giới ảo, tự tại và không có ý nghĩa gì cả. Nó tồn tại. Nó là nó. Thế thôi. Như một cơn mưa. Như một đám mây. Như một trận gió. Như một chiếc lá rụng. Thế thôi. Như Archibald Macleish đã nói, một cách hàm súc, từ lâu: “Bài thơ không nên có nghĩa, nó chỉ hiện hữu” (A poem should not mean. But be.), hoặc như Frank Stella đã nói, một cách mạnh mẽ, tôi thích hơn: “Những gì anh thấy là những gì anh thấy” (What you see is what you see) (2).
Nhưng vấn đề là: ý nghĩa là gì? Charlton Laird, trong bài dẫn nhập quyển Webster”s New World Dictionary thú nhận: “không có ai biết ý nghĩa là gì và cũng không có ai biết làm cách nào để định nghĩa được nó”. Đối diện với vấn đề nan giải ấy, W.V. Quine cho là các nhà ngữ nghĩa học ở trong tình trạng là họ không biết họ đang nói về cái gì (3).
Bế tắc về phương diện lý thuyết, người ta đành chấp nhận cách hiểu quen thuộc, đại khái, cho ý nghĩa là một sự tương đương. Giải nghĩa một từ là dùng một khái niệm tương đương, phổ biến và giản dị hơn để giúp người ta hiểu từ ấy. Nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi trong mọi quyển từ điển. Theo quyển Từ điển từ và ngữ Hán Việt do Nguyễn Lân biên soạn (4), từ “hậu” có bốn nghĩa chính: (i) sau (hậu bối), (ii) dày, đầy đặn (hậu đãi), (iii) chờ đợi, mong ước (hậu tuyển), (iv) vợ vua (hậu phi); từ “lương” có ba nghĩa chính: (i) tốt lành, giỏi (lương dân, lương tâm), (ii) rường nhà (lương đống), (iii) lúa gạo (lương thực).
Chúng ta thấy rõ, tất cả những gì gọi là ý nghĩa ở trên đều là những sự tương đương. Một điều thú vị mà hầu như người Việt Nam nào cũng biết là giải thích một từ Hán Việt bao giờ cũng dễ hơn là giải thích một từ thuần Việt, đặc biệt những từ có tần số xuất hiện cao, trở thành bình thường. Thê là gì? Là vợ. Nhưng vợ là gì? Bí. Ái là gì? Là yêu. Nhưng yêu là gì? Nhiều người bí, bẽn lẽn cười: yêu là... yêu. Lý do của việc bí này khá dễ hiểu: đó là những từ quá thông dụng đến nỗi người ta không thể tìm được từ nào tương đương mà lại dễ hiểu hơn nữa. Điều này lại cũng có nghĩa là: đối với người Việt Nam, những từ thông dụng này, do gắn liền với đời sống của họ, với tâm thức họ, đã trở thành máu thịt của chính họ, chúng không cần thiết phải nương tựa vào bất cứ một từ ngữ tương đương nào khác, chúng không cần được diễn dịch. Nói cách khác, với người Việt Nam, sinh trưởng tại Việt Nam, những từ này không có nghĩa. Yêu là yêu, ghét là ghét, vợ là vợ, chồng là chồng.
Trong các ngành nghệ thuật, không ai nói đến ý nghĩa của một bản nhạc, đặc biệt nhạc không lời, nhạc giao hưởng, hiếm có ai nói đến ý nghĩa của một bức tượng hay một tấm tranh. Tất cả đều từ chối việc bị thay thế bằng một cái gì tương đương. Vậy tại sao một tấm tranh, một bản nhạc có thể là chính nó mà một bài thơ không thể là chính nó? Tại sao một bài thơ phải được hoặc bị khoác cho một ý nghĩa nào đó mới có thể tồn tại được?
***
Chú thích:
1. McGann, J.J. (1988), Social Values and Poetic Acts, Harvard University Press, Cambridge, tr. 54.
2. Dẫn theo McGann, sđd, tr. 33.
3. Dẫn theo Sheriff, J.K. (1989), The Fate of Meaning, Princeton University Press, Princeton, tr. 3.
4. Nguyễn Lân (1989), Từ điển từ và ngữ Hán Việt, nxb tp Hồ Chí Minh.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.