Đường dẫn truy cập

Cuộc du hành vào thế giới thơ


Cuộc du hành vào thế giới thơ
Cuộc du hành vào thế giới thơ

Nếu thơ là một thế giới ảo, việc đọc thơ, như vậy, trước hết sẽ là một cuộc du hành vào thế giới ảo ấy. Đọc Truyện Kiều là du hành vào thế giới trong đó có Kiều và Kim Trọng gặp nhau, yêu nhau, hẹn hò với nhau, rồi xa cách nhau, nhớ nhung nhau, cuối cùng, mười mấy năm sau, gặp lại nhau. Đọc Chinh Phụ Ngâm là du hành vào thế giới nội tâm đầy những thương nhớ khắc khoải của một người vợ xa chồng. Đọc thơ Quang Dũng là du hành vào một thế giới đầy mùi hương hoài niệm, từ mùi thơm của hoa đêm tại Mường Lát, mùi thơm của nếp xôi tại Mai Châu, mùi thơm của hoa bưởi, hoa nhài trên tóc các cô hàng xén, mùi thơm của nồi cơm mới dỡ của các cô gái trồng cây đến mùi lạt thơm xanh, mùi áo sặc mồ hôi gió mặn trên đường 12.

Chữ quan trọng nhất trong luận điểm vừa nêu là chữ “du hành”.

Du hành: đi chơi. Vừa đi vừa chơi. Đi để chơi. Không có mục đích hay mục tiêu gì cả. Đọc thơ hay đọc tác phẩm văn học nói chung, trong nghĩa này, khác hẳn việc đọc một công trình khảo cứu, một bài báo hay một thiên phóng sự. Đọc những tác phẩm thuộc loại vừa kể, điều chúng ta nôn nóng muốn biết là cái kết luận, cái kết quả sau cùng. Do đó, chúng khuyến khích việc đọc nhảy, đọc lướt. Cuộc hành trình càng ngắn càng tốt. Cái đích đến mới là quan trọng. Với thơ hoặc với văn học nói chung, ngược lại. Ở đây không có đích. Chính bản thân cuộc hành trình mới đáng kể. Do đó, đọc thơ không ai nhấp nhỏm liếc xuống đoạn cuối để xem tâm tình của tác giả kết thúc ra sao. Như một người du hành nhẩn nha ngắm trời ngắm mây nhìn hoa nhìn cỏ, chúng ta, những người đọc thơ, cũng ung dung ngắm nhìn từng hình ảnh, lắng nghe từng âm điệu, lâu lâu dừng lại, bồi hồi trước một câu thơ hay, một chữ dùng đắc địa.

Việc đọc thơ như một cuộc du hành vừa đi vừa chơi này giải thích tại sao đọc thơ, nếu thực sự là đọc thơ, chúng ta thường đọc chậm (I.A. Richards có lần nói bốn bài thơ để đọc trong một tuần là quá nhiều), tại sao chúng ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần, hàng chục lần, hàng trăm lần, một bài thơ nào đó, ngay cả khi chúng ta đã thuộc lòng và cuối cùng, nó cũng giải thích tại sao từ xưa người ta đã coi một trong những chức năng chính của thơ là giải trí.

Đọc thơ, trước hết, là tham dự vào một trò chơi của trí tưởng tượng.

Cách ví von trên dù sao cũng khá khập khiễng. Người du hành là người ngoại cuộc, chỉ thưởng thức thế giới bên ngoài bằng mắt, bằng tai. Quan hệ giữa người du hành và thế giới là mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể. Trong việc đọc thơ, ranh giới ấy không còn. Người đọc thơ nhảy lên sân khấu để diễn kịch chứ không chấp nhận việc ngồi dưới nhìn, nghe rồi vỗ tay reo hò, rồi thanh thản ra về. Đọc thơ là một hành động nhập cuộc.

Tôi đã phân biệt sự khác nhau giữa ngôn ngữ trực tiếp và ngôn ngữ gián tiếp. Nhưng trong ngôn ngữ gián tiếp lại có hai loại: loại chúng ta coi là văn học và loại chúng ta coi là phi văn học bao gồm các công trình nghiên cứu như triết, sử v.v... Ở trên, khi ví việc đọc tác phẩm văn học như việc du hành, tôi đã đưa ra điểm dị biệt đầu tiên giữa hai loại diễn ngôn (discourse) này. Đến đây, chúng ta có thể nêu thêm một điểm dị biệt khác: chỉ những tác phẩm văn học mới cho phép người đọc được nhập cuộc. Đọc một quyển sử, dẫu hay đến mấy, chúng ta cũng không thể có lúc nào đó tưởng mình là Bảo Đại, là Ngô Đình Diệm, là Hồ Chí Minh. Luôn luôn chúng ta là người đứng ngoài, quan sát, ghi nhận và đánh giá. Chúng ta vẫn là chúng ta. Ngược lại, đọc một tác phẩm văn học, với mức độ nhiều ít khác nhau, chúng ta thường nhập vào nhân vật, vào tác giả. Chúng ta xôn xao cái xôn xao của Thuý Kiều, đau cái đau của Thuý Kiều, hận cái hận ngất trời của Thuý Kiều. Chúng ta mộng cái mộng của Thế Lữ, của Lưu Trọng Lư, chúng ta yêu cái yêu của Xuân Diệu, của Nguyên Sa, chúng ta buồn cái buồn của Huy Cận, của Vũ Hoàng Chương, chúng ta khắc khoải cái khắc khoải của Thanh Tâm Tuyền, của Tô Thuỳ Yên.

Chức năng giải trí của văn học, như vậy, không phải chỉ có nghĩa là một sự thoát ly ra khỏi hiện thực buồn tẻ, đơn điệu của đời thường để phiêu lưu vào thế giới tưởng tượng mà còn có nghĩa là một cách nhân bản ngã để con người, trong cùng một lúc, có thể là mình, có thể là người khác.

Chính ở khía cạnh này, văn học được coi là có tác dụng làm cho đời sống con người phong phú hơn, giàu có hơn. Và cũng chính ở khía cạnh này, chúng ta thấy được đặc điểm nổi bật của văn học: đó là nơi cho phép con người được hoàn toàn tự do. Mọi người có thể vào, ra, có thể nhập cuộc, bỏ cuộc.

Chất ma tuý của văn chương có lẽ phần nào xuất phát từ đó.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG