Đường dẫn truy cập

Vấn đề Syria sẽ được đưa ra thảo luận tại Thượng đỉnh G-20


Tổng thống Obama đến Thụy Ðiển trước khi lên đường đến dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nga.
Tổng thống Obama đến Thụy Ðiển trước khi lên đường đến dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nga.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama dừng chân tại Thụy Ðiển hôm nay trước khi lên đường đi dự cuộc họp thượng đỉnh của 20 nền kinh tế lớn trên thế giới vào cuối tuần này ở Nga. Theo dự kiến, Syria sẽ là một trong các đề tài chính bên lề hội nghị thượng đỉnh vào lúc Tổng thống Obama mưu tìm hậu thuẫn quốc tế cho một cuộc tấn công quân sự vào Damascus, để đáp lại việc chính phủ Syria dùng khí độc bị cấm nhắm vào dân chúng nước này. Thông tín viên VOA Zlatica Hoke ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Thủ đô Stockholm của Thụy Ðiển đã tăng cường an ninh trước khi Tổng thống Obama đến nơi vào ngày hôm nay. Có phần chắc vùng bắc cực, mậu dịch tự do và Syria sẽ là những đề tài trong các cuộc đàm luận của ông Obama với Thủ tướng Fredrik Reinfeldt của Thụy Ðiển.

Trước khi lên đường thực hiện chuyến đi 3 ngày vào tối hôm qua, Tổng thống Obama đã thu phục được hậu thuẫn cho hành động quân sự chống lại Syria từ phía các nhà lãnh đạo hàng đầu tại Quốc hội, và bày tỏ sự tin tưởng rằng Quốc Hội sẽ thông qua nghị quyết cho phép tấn công Damascus. Nhưng Tổng thống Obama còn muốn được quốc tế hậu thuẫn cho một hành động như thế.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã hứa sẽ hậu thuẫn. Hôm qua, ông Hollande bầy tỏ hy vọng sẽ đạt được một sự đồng thuận rộng rãi hơn tại cuộc họp thượng đỉnh G-20 tại St. Petersburg bên Nga.

“Khi một cuộc thảm sát bằng chất hóa học xảy ra, khi thế giới biết được chuyện này, khi bằng chứng được cung cấp, khi ta biết được thủ phạm, thì phải có một phản ứng. Cộng đồng quốc tế trông đợi phản ứng này. Và cùng với nhau -- tổng thống Ðức, tổng thống Pháp – chúng ta bày tỏ cùng một sự phẫn nộ, cùng một lời lên án, và đồng thời cùng một niềm hy vọng, rằng có thể tìm ra một giải pháp chính trị cho Syria.”

Tổng thống Hollande phát biểu với các phóng viên sau khi gặp Tổng thống Ðức Joachim Gauck ở Paris. Tổng thống Ðức nói:

“Thủ tướng Angela Merkel tính rằng trong các cuộc họp sắp tới, chẳng hạn như tại hội nghị G-20, có thể sẽ đi tới một thỏa thuận quốc tế về một phản ứng thích đáng có liên quan đến Syria.”

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh tại thành phố lớn thứ nhì của Nga. Ông đã cảnh báo chống lại mọi hành động quân sự ở Syria trước khi một phái đoàn Liên Hiệp Quốc báo cáo kết quả cuộc điều tra tại một vùng ngoại ô của Damascus, nơi lực lượng Syria bị tố cáo đã sử dụng vũ khí hóa học vào ngày 21 tháng 8. Trước khi lên đường đi dự hội nghị thượng đỉnh, ông Ban cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng loại vũ khí như thế sẽ là một sự vi phạm nghiêm trọng các luật lệ quốc tế.

“Chúng ta phải chấm dứt những hành động tàn ác mà nhân dân Syria tiếp tục phải gánh chịu. Chúng ta nên tránh quân sự hóa thêm vụ xung đột và hồi sinh lại sự tìm kiếm một giải pháp chính trị. Tôi ghi nhận lập luận phải hành động để ngăn ngừa những việc sử dụng vũ khí hóa học sau này. Ðồng thời, chúng ta phải xét tới tác động của mọi biện pháp trừng phạt đối với các nỗ lực ngăn chặn đổ máu thêm và tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.”

Syria đã bác bỏ việc sử dụng vũ khí hóa học, và nước đồng minh là Nga, chủ trì cuộc họp thượng đỉnh dự kiến sẽ tìm cách khuyên can các tham dự viên chớ nên tham gia một liên minh ủng hộ việc tấn công Syria.

Trong khi ở Nga, Tổng thống Obama cũng dự trù gặp một nhóm các nhà hoạt động cho nhân quyền để thảo luận về các luật lệ gây tranh cãi ở nước này mà giới chỉ trích cho là trấn át các quyền tự do và áp bức các nhóm thiểu số, như phe đối lập và các cộng đồng đồng giới tính.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG