Đường dẫn truy cập

Vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc tại Việt Nam


Hằng năm biến cố 30-4-1975 thường được người Việt Quốc gia tưởng niệm như một ngày “Quốc hận”. Trong khi đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thường tổ chức kỷ niệm như một ngày “Đại thắng Mùa Xuân”.

Thế nhưng năm nay nếu ở hải ngoại vẫn tổ chức ngày “Quốc hận” như mọi năm, thì trong nước đã có sự khác thường: khác với mọi năm trước đây, đã không tổ chức rầm rộ, dưới nhiều hình thức để ăn mừng 30-4-1975 trên cả nước, đồng thời lại làm ngơ cho các cuộc tụ tập đông người, nơi thì tổ chức lễ tưởng niệm các tướng lãnh VNCH đã tuẫn tiết trước hay trong ngày 30-4-1975; nơi khác thì tổ chức vinh danh những thương phế bình VNCH qui tụ hàng trăm người. Đặc biệt nhất là đã không đàn áp dân oan biểu tình trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào dịp 30-4, với các khẩu hiệu minh thị chống đảng và chế độ cộng sản hiện nay và coi ngày 30-4-1975 là ngày “Uất hận của nhân dân Miền Nam, của dân tộc Việt Nam”, ngày mà sau đó họ đã ‘mất tài sản, đất đai và mất tự do, dân chủ và nhân quyền…”

Mặt khác,Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, đặc trách về người Việt Nam ở nước ngoài, cũng đã có những hoạt động tiếp xúc với một số người Việt có tiếng chống cộng ở hải ngoại và mời gọi “kiều bào” về nước đi thăm hải đảo Trường Sa, viếng nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nơi chôn cất của hàng chục ngàn tử sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Quốc - Cộng vừa qua.

Khi nhận định về các hiện tượng không bình thường và việc làm của viên Thứ trưởng đặc trách về người Việt ở nước ngoài vừa nêu, có người cho đó là dấu hiệu phía Việt Nam muốn tạo tiền đề cho “Hòa giải và hòa hợp dân tộc”.Thế nhưng về phía Việt Quốc đó đây vẫn vang lên tiếng nói quyết liệt chống “Hòa giải và hòa hợp dân tộc”.

Để thấy rõ thực chất và thực tế của vấn đề “Hòa giải và hòa hợp dân tộc”, chúng tôi xin lần lượt trình bầy:

- Vì sao hòa giải và hòa hợp dân tộc đã không thành tựu tại Việt Nam?

- Phương cách nào có thể bảo đảm cho hòa giải và hòa hợp dân tộc thành tựu tại Việt Nam?

Vì sao hòa giải và hòa hợp không thành công tại Việt Nam?

Vấn đề hòa giải và hợp dân tộc đã được nêu ra từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành tựu ở Việt Nam, dù đó là ước muốn chung của bất cứ người Việt Nam yêu nước nào. Vậy vì sao hòa giải và hòa hợp dân tộc chưa thành tựu tại Việt Nam?

Theo nhận định của chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu là sự bất đồng về phương thức thực hiện “Hòa giải và hòa hợp dân tộc” giữa khối người Việt quốc gia chống cộng với đảng và nhà cầm quyền hiện nay tại Việt Nam và sự thiếu tin tưởng vào thực tâm và thiện chí muốn hòa giải của các bên.

Thật vậy, để thấy được sự bất đồng vừa nêu, trước hết phải hiểu ý nghĩa chung và ý nghĩa riêng của cụm từ “Hòa giải và hòa hợp dân tộc”.

Về ý nghĩa chung: hoà giải là giải quyết mâu thuẫn một cách hoà bình để đi đến sự hợp nhất trong hoà bình. Nếu mâu thuẫn ấy là mâu thuẫn trong lòng một dân tộc, thì hoà giải và hoà hợp dân tộc đòi hỏi mâu thuẫn ấy phải được giải quyết một cách hoà bình để đi đến sự hoà hợp dân tộc trong hoà bình.

Từ ý nghĩa chung, đi vào ý nghĩa riêng của hoà giải và hoà hợp dân tộc tại Việt Nam: Đó là giải quyết một cách hoà bình mâu thuẫn phát sinh từ cuộc nội chiến Ý thức hệ Quốc - Cộng tại Việt Nam và tồn tại trong lòng dân tộc việt Nam cho đến hôm nay, để đi đến hoà hợp dân tộc.

Trong ý nghĩa riêng này cũng cần được hiểu theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp của cụm từ “hoà giải và hoà hợp dân tộc”. Theo nghĩa rộng là giải quyết hoà bình mâu thuẫn trong lòng dân tộc giữa những người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia và những người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản. Theo nghĩa hẹp là giải quyết hoà bình mâu thuẫn trong lòng dân tộc giữa hàng ngũ lãnh đạo trong cuộc chiến tranh Quốc - Cộng vừa qua (1954-1975) và cho đến hôm nay.

Theo nhận định của chúng tôi, đã từ lâu chứ không phải đợi đến bây giờ 39 năm sau ngày 30-4-1975 chấm dứt cuộc chiến tranh Quốc - Cộng tại Việt Nam, nghĩa rộng của cụm từ “hoà giải và hoà hợp dân tộc” không còn giá trị thực tế. Vì thực tế nhân dân hai Miền Bắc Nam đã tự giác “hòa giải và hòa hợp” từ lâu sau khi tự hoá giải mâu thuẫn một cách hoà bình bằng chính thực tiễn cuộc sống sinh động đã giúp tất cả có chung nhận thức về thực chất của cuộc chiến tranh Quốc - Cộng hôm qua (1954-1975) chỉ là một cuộc chiến do ngoại bang thực hiện, thông qua những chính quyền công cụ bản xứ, xô đẩy nhân dân hai miền Bắc - Nam vào một cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, bằng những chiêu bài lừa mị, đã tàn phá đất nước, phân hoá dân tộc, để lại di hại nghiêm trọng, toàn diện và lâu dài cho đất nước.

Như vậy thực tế nay chỉ còn tồn tại trong lòng dân tộc ý nghĩa hẹp của cụm từ “Hoà giải và hoà hợp dân tộc”. Nghĩa là chỉ còn tồn tại mâu thuẫn trong hàng ngũ lãnh đạo dân tộc thuộc hai phe Quốc - Cộng. Thế nhưng hòa giải và hòa hợp dân tộc vẫn chưa thực hiện được tại Việt Nam vì các nhà lãnh đạo hai phe Việt Quốc và Việt Nam vẫn chưa thống nhất được phương cách hòa giải để đi đến hòa hợp dân tộc một cách hòa bình.

Về phía Việt Nam thì cho đến nay vẫn đã không chính thức đưa ra chủ trương, chính sách và lịch trình cụ thể nào để thực hiện “Hòa giải và hòa hợp dân tộc”. Trên thực tế bao lâu nay, ở thời điểm này hay thời điểm khác, Việt Nam vẫn chỉ đơn phương kêu gọi người Việt quốc gia hãy quên quá khứ, quên hận thù, đừng chống cộng nữa, mà hãy hợp tác toàn diện, vô điều kiện với đảng và nhà cầm quyền trong chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện nay, để xây dựng phát triển đất nước. Nghĩa là không có hòa giải (giải quyết những mâu thẫn căn bản một cách hòa bình) mà chỉ muốn có hòa hợp.

Trong khi phía Việt Quốc thì muốn thực hiện “hòa giải và hòa hợp dân tộc” theo đúng ý nghĩa chân chính của cụm từ này. Nghĩa là hai bên phải bằng cách nào đó, cùng ngồi lại với nhau để hóa giải mâu thuẫn căn bản về lãnh đạo dân tộc. Đó là mâu thuẫn giữa những người cộng sản lãnh đạo dân tộc theo con đường độc tài toàn trị, độc đảng độc quyền thống trị, với những người quốc gia lãnh đạo dân tộc theo con đường dân chủ pháp trị, đa nguyên đa đảng. Đây chính là mâu thuẫn căn bản giữa Việt Quốc và Việt Nam và là nguyên nhân cơ bản làm phân hoá dân tộc. Do đó “hoà giải và hoà hợp dân tộc” chính là giải quyết dứt khoát mâu thuẫn này một cách hoà bình để đi đến hoà hợp dân tộc toàn diện.

Tựu chung hòa giải và hòa hợp dân tộc đến nay chưa thành tựu, dù đó là ước muốn chung của bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, là vì vai trò chủ động công cuộc hòa giải và hòa hợp là phía Việt Nam đã sử dụng phương cách hòa giải và hòa hợp dân tộc không đúng với ý nghĩa chân chính của cụm từ này.

Chính vì vậy mà phía Việt Quốc đã không tin tưởng phía Việt Nam có thực tâm và thiện chí muốn hòa giải và hòa hợp dân tộc, nên thực tế đã quyết liệt chống đối điều mà họ gọi là “hòa giải và hòa hợp một chiều của Việt Nam”, hoặc coi đó chỉ là ngụy trang cho chủ trương “chiêu hồi Việt Quốc của Việt Nam”. Chủ trương này chỉ muốn khơi động tình tự dân tộc để kêu gọi người Việt quốc gia hãy quên quá khứ, quên hận thù, thôi chống cộng cùng hợp tác với Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước vẫn trong khung cảnh chế độ độc tài toàn trị cộng sản vốn là mâu thuẫn cơ bản.

Nhưng chủ trương này đã bị cự tuyệt vì mục tiêu tối hậu của Việt Quốc đấu tranh trong nhiều thập niên qua vẫn là nhằm thay thế chế độc độc tài toàn trị bằng một chế độ dân chủ pháp trị. Đây là một mâu thuẫn cơ bản đã đưa đến cuộc nội chiến ý thức hệ tại Việt Nam và là một mâu thuẫn đối kháng (một mất một còn) giữa Việt Quốc và Việt Nam. Vì vậy “hòa giải và hòa hợp dân tộc” sở dĩ bao lâu nay chưa thành tựu là vì mâu thuẫn đối kháng này vẫn tồn tại. Do đó nhiều người Việt Nam tin tưởng rằng, một khi mâu thuẫn đối kháng trên được giải quyết dứt điểm, thỏa đáng,“hòa giải và hòa hợp dân tộc” thực sự sẽ đến ngay.

Phương cách nào để hòa giải và hòa hợp dân tộc có thể thành tựu tại Việt Nam?

Vậy thì phương cách nào để hòa giải và hòa hợp dân tộc có thể thành tựu tại Việt Nam?

Theo nhận định của chúng tôi có hai phương cách thực hiện “Hòa giải và hòa hợp dân tộc” là song phương hòa giải và đơn phương hóa giải mâu thuẫn căn bản để đi đến hòa hợp dân tộc.

1. Phương cách song phương hòa giải mâu thuẫn để đi đến hòa hợp dân tộc. Theo phương cách này, đại diện hai bên Việt Nam và Việt Quốc ngồi lại với nhau để cùng giải quyết mâu thuẫn căn bản.

Trên thực tế trước đây đã có nhiều đề nghị, song đã không được quan tâm vì cả hai bên Việt Nam cũng như Việt Quốc đều chưa có thực tâm, không tin tưởng vào thiện chí của nhau, nội bộ còn nhiều bất đồng, hai bên chưa thống nhất về phương cách nên không thể thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc theo đúng ý nghĩa chân chính của cụm từ này.(Như chúng tôi đã trình bầy ở trên).

Đến nay, thực tế cho thấy phương cách này vẫn không thể thực hiện được, ngay cả trường hợp phía Việt Nam có chính thức đưa ra chủ trương chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, với lịch trình và các bước thực hiện cụ thể. Bởi phía Việt Quốc vẫn khó chấp nhận được vì hai trở lực nội bộ không thể vượt qua: một là đa số Việt Quốc vẫn không tin vào thực tâm hòa giải và hòa hợp dân tộc của Việt Nam do quá khứ có nhiều thất tín mà thất tín sau cùng là việc cưỡng chiếm Miền Nam (30-4-1975), vi phạm Hiệp Định Paris ngày 27-1-1973, trong đó có đề cập đến việc thành lập “chính phủ hòa giải và hòa hợp dân tộc” gồm ba thành phần. Hai là trong tình trạng phân tán đa đầu về tổ chức của Việt Quốc, sự bất đồng về tư cách đại diện cho Việt Quốc để tham dự hòa giải và hòa hợp dân tộc với Việt Nam là một thực tế khó vượt qua.

Phương cách này cá nhân chúng tôi đã thử đưa ra trong “Giải Pháp Toàn Cuộc Cho Vấn Đề Tương Lai Dân Tộc Việt Nam” vào Tháng 4-1995, khi mà đa số các nhà lãnh đạo hàng đầu của cuộc chiến tranh Quốc-Cộng còn sống, tư cách đại diện có thể dễ dàng được đồng thuận hơn.

Theo giải pháp này, chúng tôi đề nghị các nhà lãnh đạo Việt Nam và Việt Quốc cùng nhau thực hiện tiến trình hòa giải qua “Ba bước đến nền dân chủ nhất nguyên dân tộc”:

Bước một: Triệu tập “Hội Nghị Hóa Giải Mâu Thuẫn Về Lãnh Đạo Dân Tộc”

Bước Hai : Triệu tập “Hội Nghị Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia”

Bước Ba: Hình thành “Chế Độ Dân Chủ Nhất Nguyên Dân Tộc”.

Trong giải pháp này chúng tôi có đề nghị cụ thể về thời gian, không gian, thành phân tham dự, nghị trình, trách nhiệm tổ chức và chi phi…

Về thành phần tham dự về phía Việt Quốc gồm các nhà lãnh đạo trong ba ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Về phía Việt Nam gồm các nhà lãnh đạo có thẩm quyền trong cơ chế Đảng và Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN).

Về trách nhiệm tổ chức giao cho Thủ tướng đương nhiệm chính phủ CHXHCNVN với chi phí do ngân sách quốc gia đài thọ…Tiếc rằng giải pháp đề nghị này đã không được các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng như Việt Quốc quan tâm.(1)

Vì vậy, nay nếu có muốn dùng phương cách “song phương hòa giải” cách nào đó cũng khó khả thi. Chúng tôi nghĩ đến một phương cách thứ hai

2. Phương cách đơn phương hóa giải mâu thuẫn để đi đến hòa hợp dân tộc.

Đây là phương cách khả thi nếu đảng và nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay thực tâm, có thiện chí muốn thành tựu “hòa giải và hòa hợp dân tộc”.

Theo phương cách này, đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ cần đơn phương, chủ động, tích cực thực hiện tiến trình dân chủ hóa, điều mà thực tế Việt Nam đã và đang làm sau khi thực hiện chính sách “Đổi mới” thất bại (1986-1995) phải “mở cửa” (1995- nay) thực hiện trên nguyên tắc “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” ( giả), song thực tế diễn biến “kinh tế thị trường tất yếu định hướng tư bản chủ nghĩa” (là thật). Nay muốn hóa giải mâu thuẫn căn bản để có hòa hợp dân tộc, Việt Nam chỉ cần chủ động, đơn phương kết thúc quá trình dân chủ hóa đất nước vào thời điểm thích hợp, không gây xáo trộn bất lợi cho đất nước.

Phương cách này trước đây chúng tôi cũng đã từng đề nghị các bước thực hiện như sau:

1.- Quốc hội đương nhiệm sửa đổi Hiến pháp hiện hành, theo hướng dân chủ pháp trị, đa đảng.
2. Quốc hội cơ quan lập pháp đương nhiệm sau đó cần:
- Làm luật tu chỉnh hoặc luật mới thay thế những luật lệ trái với Hiến pháp dân chủ pháp trị, đa đảng (Luật Đất Đai, Nhà đất, Luật Hình, Luật Hộ…)
- Làm “Luật chính đảng” để cho phép các chính đảng được thành lập và tham gia sinh hoạt chính trị hợp pháp trong chế độ dân chủ đa đảng.
- Làm“Luật ứng cử và bầu cử” vào các chức vụ dân cử để thực thị Hiến pháp dân chủ pháp trị, đa đảng.
- Làm “Luật Hòa Giải Dân Tộc” nhằm hóa giải hận thù quá khứ, ngăn ngừa mọi hành vi phục thù chính trị trong tương lai do những nguyên nhân từ quá khứ.
3. Chính phủ, cơ quan hành pháp đương nhiệm chiếu nhiệm vụ qui định của Hiến pháp sửa đổi, bằng các văn bản lập qui dưới luật, để điều chỉnh theo các luật lệ đã được Quốc hội sửa đổi một cách phù hợp với thời gian, không gian và tiến trình hoạt động bình thường của guồng máy công quyền quốc gia, để tránh mọi sự xáo trộn, bất ổn chính trị và xã hội, bất lợi cho đại cuộc.
4.-Mọi cơ cấu tổ chức và nhân sự điều hành chính quyền các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương trên cả nước vẫn duy trì nguyên trạng và hoạt động bình thường.
5.- Ngưng bắt bớ giam cầm và thả tất cả các tù nhân chính trị để chứng tỏ thực tâm muốn “hòa giải và hòa hợp dân tộc” của đảng và nhà cầm quyền đương thời tại Việt Nam

Chúng tôi tin rằng nếu phía Việt Nam “Đơn phương, chủ động, tích cực hóa giải mâu thuẫn căn bản” theo phương cách này, ước mơ “hòa giải và hòa hợp dân tộc” bao lâu nay của bất cứ người Việt Nam yêu nước nào sẽ thành tựu. Vì phía Việt Quốc sẽ không còn lý do tiếp tục chống cộng hay chống hòa giải (kiểu Việt Nam) khi mà mục tiêu tối hậu của chống cộng là tự do, dân chủ, nhân quyền cho đất nước đã thành đạt. Sau đó, việc hợp tác hay không hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước trong khung cảnh chế độ tự do dân chủ là quyền tự do lựa chọn của cá nhân cũng như các đoàn thể chính trị Việt quốc,trong cũng như ngoài nước, không còn là vấn đề.

Ghi chú: (1) và (2) chi tiết các phương cách này xin vào:luatkhoavietnam.com, mục “Diễn Đàn”. Tiểu mục”Tác giả tác phẩm” để đọc “ tài liệu nghiên cứu lý luận Việt Nam Trong Thế chiến Lược Quốc Tế Mới”, Chương II (Luận bàn về một một giải pháp toàn cuộc cho vấn đề tương lai dân tộc Việt Nam) và Tiểu mục “Đất nước- Cộng Đồng” để đọc “Đâu là giải pháp khả thi để cứu nước và phát triển toàn diện đất nước”.

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Thiện Ý

    Thiện Ý nguyên luật sư tại Sài Gòn trước 1975, hiện là Chủ tịch Câu Lạc bộ Luật khoa Việt Nam ở Houston. Các bài viết của Thiện Ý là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG