Đinh Yên Thảo
Những ngày này và trong suốt năm qua, "vaccine" là từ vựng xuất hiện hầu như trên các phương tiện truyền thông truyền thống và mạng xã hội mỗi ngày. Tự điển Merriam-Webster chọn "từ vựng trong năm" (Word of the Year) 2021 này là "vaccine", dựa theo các dữ liệu về mật độ xuất hiện, được tìm kiếm và hơn hết, được bàn luận và tranh cãi trong suốt năm 2021 này. Tự điển này bảo rằng vaccine là biểu tượng của hy vọng và sức khoẻ. Nhưng đồng thời, với một số người thì vaccine là đại diện cho một vấn đề chính trị hóa. Quan điểm thế nào, vaccine đã và sẽ là một trong những phát minh lớn nhất của nhân loại trong cuộc chiến chống lại dịch bịnh truyền nhiễm từ bao năm qua.
Không chỉ Merriam-Webster mà cả tự điển Oxford của Anh cũng chọn "vax" là từ trong năm. Đây là từ vựng vừa là danh từ chỉ vaccine và là động từ để chỉ hành động chủng ngừa. "Vaccine" là từ vựng mà theo những nhà chủ trương của tự điển MerriamWebster bảo rằng, là sự đan kẽ giữa y tế, khoa học và vấn đề chính trị, xã hội.
Trong năm 2020 thì "đại dịch" (pandemic) là từ trong năm khi nó xuất hiện và chiếm lãnh trong mọi câu chuyện trên khắp thế giới. Tại Mỹ, "đại dịch" cũng từng không được xem là câu chuyện khoa học thuần túy khi đã tạo ra những nghi ngờ, gán ghép về sự ra đời cùng những ảnh hưởng của nó, cho dù cuối cùng thì mức độ nguy hiểm của nó đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu, không riêng tại Mỹ.
Như đã nói trên, "vaccine" - thuốc chủng ngừa là một trong những phát kiến quan trọng của con người. Nó chứng tỏ sức mạnh và trí tuệ của con người trong việc sinh tồn, đối chọi lại cùng những bất ngờ của thiên nhiên, chưa bao giờ bị xem là câu chuyện chính trị hóa hay tạo ra những tranh luận xã hội dữ dội như tại Mỹ trong thời gian qua. Để đưa vaccine về đúng với bản chất khoa học của nó, có thể điểm lại câu chuyện lịch sử từ khi nó ra đời thế nào.
Thế kỷ 18, vào năm 1796, bác sĩ kiêm khoa học gia người Anh là Edward Jenner là người đưa ra khái niệm về thuốc chủng ngừa dịch bịnh khi lần đầu tiên thực nghiệm cách ngừa bịnh đậu mùa (smallpox), một bịnh truyền nhiễm từ bò (cowpox) khi cấy mủ của những bò bị bịnh vào một cậu bé để tạo ra sự miễn nhiễm với bịnh này. Ông không chế ra vaccine nhưng được xem là cha đẻ của vaccine vì khái niệm cùng phương pháp khoa học tạo ra vaccine của mình. Kể từ đó, từ "vaccine" - một biến thể tiếng La Tinh mang ý nghĩa là "con bò" (vaccinae) ra đời.
Cuối thế kỷ 19, khoảng hơn 80 năm sau thực nghiệm này thì nhà hoá học và vi sinh học người Pháp là Louis Pasteur, người được xem là cha đẻ của ngành "vi trùng học" (bacteriology) mới tạo ra được vaccine khác để ngừa bệnh dại (rabies) và bệnh tả (cholera) nơi con người, cùng các phương pháp lên men vi sinh và tiệt trùng. Không phải là một bác sĩ nhưng Louis Pasteur được xem là có những đóng góp to lớn trong lãnh vực y khoa và là một trong những ân nhân của nhân loại khi đặt tiền đề cùng lý thuyết trong các bước tiến về vaccine sau này.
Trải qua bao nhiêu công sức và đóng góp của nhiều bác sĩ cùng các khoa học gia thế giới, đến thế kỷ 20 mới thật sự được xem là có những bước tiến đáng kể trong việc nghiên cứu và chế tạo ra các loại vaccine giúp cho nhân loại chống trả lại vô số căn bịnh truyền nhiễm khác như ho gà (1914), bạch hầu (1926), uốn ván (1938). Đến năm 1948 thì 3 loại vaccine này đã được kết hợp lại thành vaccine DTP và được sản xuất đại trà, chích ngừa cho trẻ sơ sanh cho đến nay.
Các loại vaccine khác lần lượt ra đời, theo sau hàng thập niên nghiên cứu và giúp cho trẻ em trên khắp thế giới thoát khỏi những bất hạnh nếu không được may mắn chủng ngừa đầy đủ như bịnh bại liệt, ban sởi, quai bị, thủy đậu... cùng một số bịnh truyền nhiễm sau này như sốt rét, siêu vi gan, cúm... Tuy nhiên không phải căn bịnh truyền nhiễm nào cũng đã có được vaccine ngăn ngừa, như căn bịnh thế kỷ AIDS/ SIDA, năm 2021 này đã tròn 40 năm kể từ ngày đầu tiên nó được phát hiện nhưng vẫn chưa có loại vaccine nào được chính thức công nhận. Điều này cho thấy thuốc chủng ngừa có những bước tiến nhảy vọt lẫn những khó khăn và chông gai của nó.
Và đến năm 2020 vừa qua là thuốc chủng ngừa Covid, một trong những thành tựu và cứu cánh của nhân loại để chống trả đại dịch hiện nay. Một số người không tin vào tác dụng của thuốc vaccine này với lý do nó được bào chế quá nhanh, có thể có những ảnh hưởng và tác dụng phụ bất lường về sau. Tuy nhiên kỹ thuật mRNA sử dụng cho vaccine ngừa Covid hiện nay là một kỹ thuật đã được nghiên cứu hàng chục năm qua, được các khoa học gia áp dụng để bào chế thuốc ngừa Covid khi đại dịch này lan tràn chứ không phải là bước nhảy thần kỳ qua đêm.
Vaccine đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc sinh tồn và chống trả bịnh tật của nhân loại, đặc biệt từ thế kỷ 20. Đó là công sức to lớn và sự may mắn của những thế hệ được sinh ra khi đã có thuốc chủng ngừa các loại khi chúng cứu được hàng triệu người thoát khỏi những bịnh truyền nhiễm lẫn mạng sống nếu không có vaccine. Với riêng đại dịch hiện nay, vượt lên những nghi ngờ đây đó, "vaccine" xứng đáng là một từ vựng trong năm, đã mang lại hy vọng cho nhân loại để bước vào năm mới.