Chính phủ Mỹ có nên tiếp tục đặt trọng tâm vào việc chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo ở nước ngoài, hay nên chú ý nhiều hơn vào mối đe dọa của các tổ chức cực đoan trong nước? Các thành viên của Ủy ban An ninh Quốc nội của Hạ viện và những người tham gia điều trần đã tranh cãi về vấn đề này tại một cuộc điều trần được tổ chức để tìm cách ứng phó với tình hình sau vụ sát hại 9 tín đồ tại một nhà thờ của người Mỹ gốc châu Phi ở Charleston, South Carolina. Thông tín viên Đài VOA tại Quốc hội Cindy Saine có thêm chi tiết.
Người Mỹ tiếp tục thương tiếc những người bị giết hại tại nhà thờ Tin Lành ở Charleston.
Cảnh sát cho biết tay súng Dylann Roof đã thú nhận là thực hiện vụ tấn công vì muốn phát động một cuộc chiến tranh chủng tộc. Hôm thứ Tư, một Ủy ban quốc hội Mỹ thảo luận về tiến trình cực đoan hóa và điều gì đã khiến cho một thanh niên 21 tuổi phạm tội như vậy.
Nữ Dân biểu Candice Miller thuộc đảng Cộng hòa nói:
“Vì khi tôi thấy hình ảnh của kẻ giết người ở South Carolina, tôi nghĩ cậu bé này có thể có mặt tại thương xá địa phương của chúng ta! Điều gì đã xảy ra? Anh ta từ đâu đến? Gia đình anh ta như thế nào? Làm thế nào việc này lại có thể xảy ra tại nước Mỹ?”.
Dân biểu Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc nội, nói mối đe dọa của các phần tử khủng bố Hồi Giáo ở nước ngoài và những tổ chức thù hận cực hữu tại nước Mỹ mỗi ngày một nhiều.
“Bất kể là được thúc đẩy bởi chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo hay bởi chủ nghĩa ưu việt của người da trắng, những cuộc tấn công này có một điểm chung: chúng muốn tấn công những người vô tội, hăm dọa dân chúng chúng ta và cưỡng bách chúng ta để đạt được những mục tiêu ý thức hệ và xảo quyệt của chúng”.
Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Washington chú trọng vào những nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo quốc tế. Tuy nhiên, một số người tại buổi điều trần ngày hôm qua nói chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để chống lại những tổ chức thù hận trong nước.
Ông Richard Cohen thuộc Trung tâm Luật Nghèo khổ miền Nam nói:
“Tôi muốn thúc giục Ủy ban đảm bảo là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo không khiến cho chú tâm của chính phủ xa rời những đe dọa khác, những mối đe dọa đang gây nguy hại cho đất nước vĩ đại của chúng ta”.
Tuy nhiên thành viên Cộng hòa của Ủy ban, dân biểu Peter King nêu lên những quan ngại của ông:
“Nếu chúng ta chuyển trọng tâm hay chú ý thêm đến các phần tử chủ trương tính ưu việt của người da trắng, tổ chức Ku Klux Klan, Đảng Quốc Xã Mỹ, bất cứ những tổ chức giết người khủng khiếp nào, nếu làm như vậy, có phải chúng ta không chú trọng đến các phần tử cực đoan Hồi Giáo và chúng ta đặt đất nước trong tình trạng nguy hiểm hơn nữa hay sao?”.
Dân biểu McCaul đang bảo trợ một dự luật nhằm thành lập một văn phòng liên bang để chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo động tại nước Mỹ.