Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, ông Hoàng Thanh Tùng, nói hôm 10/8 rằng ủy ban này đề nghị duy trì việc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cho đến hết năm 2025. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Công an không đồng tình.
Đề xuất của Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng được đưa ra tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật cư trú (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/7/2021, theo tin của Lao Động, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và 24h.com.vn.
Ông Tùng cho rằng khoảng thời gian một năm từ nay đến giữa năm sau là "không đủ” để bảo đảm các cơ sở dữ liệu về dân cư và cư trú phục vụ cho việc áp dụng luật trên thực tế.
Vị chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu ra vài vấn đề như một số địa phương tính đến thời điểm này chưa thu thập đủ phiếu thông tin về dân cư; trong số các phiếu đã thu thập, một số bị sai, chưa hợp lệ; việc trang bị máy tính, cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ cho công an cấp xã để thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế, vẫn theo tường thuật của Lao Động, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và 24h.com.vn.
Nếu bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong khi các cơ quan “chưa sẵn sàng” sử dụng qua mạng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân thì “sẽ gây xáo trộn lớn” đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, và cũng “gây khó khăn, phiền phức” cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nói.
Với lập luận như vậy, thay mặt Ủy ban Pháp luật, ông Tùng đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp song song với hệ thống điện tử cho tới hết 31/12/2025.
Tuy nhiên, ngay sau phát biểu của người đứng đầu Ủy ban Pháp luật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vào giữa năm 2021 là hoàn toàn khả thi, và ngược lại, duy trì các sổ này đến năm 2025 là “không phù hợp, không thực tế”, Lao Động, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và 24h.com.vn cho hay.
“Không có căn cứ gì để kéo dài giữ sổ hộ khẩu song hành cho tới năm 2025 nếu đối chiếu với các công việc đang triển khai", Bộ trưởng Tô Lâm nói tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Lâm nhấn mạnh rằng Bộ Công an của ông – cũng là cơ quan chủ trì việc soạn thảo dự luật cư trú sửa đổi – thấy “hoàn toàn có đủ khả năng điều kiện” để thực thi quy định mới của luật từ giữa năm sau.
“Đây là sự thay đổi rất căn bản, là mong muốn của nhân dân, của công dân. Nếu kéo dài thêm 1 nhiệm kỳ, tức là 5 năm nữa thì quyết tâm thực hiện việc đổi mới này không cao", Bộ trưởng Tô Lâm được báo chí trích dẫn lại.
Theo tìm hiểu của VOA, nhiều người dân Việt Nam ở các tỉnh, thành cho rằng phương pháp quản lý việc cư trú của công dân thông qua sổ hộ khẩu đã tồn tại khoảng 70 năm qua là cách làm “lạc hậu” và “gây phiền hà” cho người dân.
Trong 30 năm trở lại đây, nhiều người di cư, thay đổi chỗ ở và họ phản ánh trên báo chí hoặc mạng xã hội rằng do các quy định và thủ tục rườm rà gắn với sổ hộ khẩu nên họ bị các cán bộ chính quyền gây khó dễ, vì vậy, phải hối lộ, “lót tay” mới có thể làm được các việc từ lắp đồng hồ điện nước cho đến mua bán nhà, xin học hay đăng ký kết hôn, ly hôn…
“Nhờ có cái hộ khẩu mà cán bộ mới kiếm ăn được”, một người dân ở Hà Nội không muốn nêu tên nói với VOA.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng “Chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại loại hình sổ hộ khẩu” và bà nhấn mạnh “Nên giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì tiến bộ, thuận tiện, hiện đại cho dân thì phải làm, đừng luyến tiếc những thủ tục rườm rà”, theo tường thuật của các báo trong nước.
Chủ tịch Ngân ủng hộ đề xuất của Bộ Công an là không kéo dài thời gian chuyển tiếp tới năm 2025, đồng thời hoan nghênh tinh thần cải cách mạnh mẽ của bộ này.
Tuy nhiên, các bản tin cho thấy nữ chủ tịch Quốc hội vẫn bỏ ngỏ khả năng là mốc thời gian dừng sổ hộ khẩu còn có thể thay đổi khi bà được trích lời nói rằng “Tới lúc đó [1/7/2021] còn lấn cấn gì thì Quốc hội ra nghị quyết gia hạn thêm”.