Đường dẫn truy cập

Dùng áp lực có hiệu quả đối với nhà lãnh đạo Syria?


Xe tăng được điều động đến thành phố Deir el-Zour, Syria
Xe tăng được điều động đến thành phố Deir el-Zour, Syria

Chính quyền của Tổng thống Obama cho hay Syria sẽ là “một nơi chốn tốt đẹp hơn” nếu không có lãnh tụ Bashar al-Assad. Mặc dầu các giới chức cấp cao của Hoa Kỳ đã nhiều lần kêu gọi Tổng thống Assad ngưng vụ đàn áp dã man nhắm vào những người biểu tình, Tổng thống Barack Obama chưa công khai đề nghị ông ta từ chức. Thông tín viên VOA Suzanne Presto ghi nhận về các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với giới lãnh đạo Syria.

Trong tình hình chính phủ Syria không tỏ dấu hiệu nào chấm dứt cuộc đàn áp người biểu tình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Syria Robert Ford đã gặp Ngoại trưởng Syria Walid Muallem hôm qua tại Damascus.

Tại thủ đô Washington, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland cho các phóng viên hay rằng ông Ford đã phản đối các tuyên bố của chính phủ Assad về việc thực thi cải cách.

Ðại sứ Fort nói: “Ông ấy đã khẳng định rõ, cũng như chúng tôi đã nhiều lần công khai làm như thế, rằng Syria sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng nếu tình trạng bạo động không chấm dứt, kể cả các biện pháp trừng phạt kinh tế thêm của Hoa Kỳ, và chúng tôi hy vọng của cả các nước khác nữa.”

Chuyên gia phân tích chính trị vùng Trung Đông, ông Andrew Tabler thuộc Học viện Washington về Chính Sách Cận Đông, nói rằng các biện pháp chế tài về năng lượng là chủ chốt.

Ông giải thích: “Số xuất khẩu về dầu hỏa của Syria chiếm khoảng từ 1/4 đến 1/3 thu nhập của nước này. Vì thế, khác với Iraq của Saddam Hussein, nơi phần lớn nhất về thu nhập quốc gia xuất phát từ việc chế biến dầu hỏa, tại Syria, thì số này chỉ chiếm 1/4 đến 1/3, Vì thế nó sẽ làm tê liệt chế độ, khiến cho lượng dự trữ cạn dần và phải vay mượn thêm tiền từ giới trung lưu. Nhưng nó sẽ không gây thiệt hại cho xã hội.”

Ông Tabler cho rằng áp lực quốc tế có hiệu quả, và nêu bật quyết định của Syria rút lực lượng ra khỏi Lebanon vào năm 2005.

Ông nói: “Chế độ Syria có nhúc nhích trước áp lực đồng bộ và đa phương. Điều này không xảy ra thường xuyến, nhưng vẫn có thể mang lại hiệu quả.”

Một số chuyên gia cũng muốn thấy Hoa Kỳ vận dụng áp lực đối với những người không thuộc chính phủ Syria.

Một thành viên phe đối lập ở nước ngoài là Ausama Monajed, đứng đầu Trung tâm Liên lạc và Khảo cứu Sách lược ở London nói:

“Một thông điệp thứ ba phải rõ ràng và nhắm thẳng vào giới tinh hoa doanh nghiệp người Sunni. Có một tiềm năng rất to lớn về doanh nghiệp ở Syria sau này, nghĩa là sau khi Bashar al-Assad và chính phủ của ông ta rời chức. Cần phải đóng một vai trò trong sự phát triển và phát triển kinh tế của Syria sau này, do đó phải lánh xa chế độ, thì mới có tương lai.”

Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu về Nhân quyền Damas, ông Radwan Ziadeh, cho rằng điều quan trọng là Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phải công khai yêu cầu ông Bashar al-Assad rời chức.

Ông nói: “Vì điều ấy sẽ cũng khích lệ các quốc gia Ả Rập khác và các quốc gia Âu châu khác cũng làm như vậy, và đây là lý do vì sao cần có áp lực quốc tế. Nó sẽ khích lệ thêm các sĩ quan quân đội, nhất là các sĩ quan cấp cao của nhóm Alawi, bỏ ngũ.”

Gia đình của ông Assad thuộc nhóm Alawi, một nhóm tôn giáo thiểu số ở Syria.

Ông Theodore Kattouf, người từng làm đại sứ của Hoa Kỳ ở Syria dưới thời Tổng thống Clinton, cho rằng Tổng thống Assad sẽ không chú ý tới những lời kêu gọi ông từ chức. Ông cho rằng các thành viên gia đình ông Assad đang tranh đấu cho sinh hoạt chính trị và kế sinh nhai của họ.

Ông Kattouf nói: “Tôi chắc chắn là ông Bashar đã theo dõi một đồng minh trước đây của Hoa Kỳ là Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak nằm trên giường bệnh trong một cái cũi tại tòa án. Và nếu ông ta cần phải gia tăng quyết tâm, thì tôi chắc chắn là sự kiện ấy có góp phần.”

Ông Kattouf cho rằng không có phép lạ nào khiến cho chính phủ Assad sụp đổ được.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG