Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates và Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Tea-young đã ký nhiều hiệp định được đề ra để củng cố liên minh, gồm cả một chiến lược chung để triển khai kế hoạch hành động.
Trong một thông cáo, hai bộ trưởng nói rằng họ muốn mở rộng quan hệ để đối phó thêm với các vấn đề cấp vùng và quốc tế, nhưng họ cũng khẳng định rõ mục tiêu là bảo vệ Nam Triều Tiên trước một vụ xâm lược có thể có từ phương bắc.
Câu hỏi cũng được đặt ra là liệu có lo ngại rằng những thay đổi chính trị tại Bắc Triều Tiên có thể đưa tới thêm những vụ như đánh chìm tàu hải quân Cheonan của Nam Triều Tiên vào tháng Ba khiến 46 quân nhân thiệt mạng hay không. Một cuộc điều tra quốc tế qui lỗi cho Bắc Triều Tiên, nhưng các giới chức nước này đã bác bỏ những lời tố cáo đó.
Ông nói: ”Có rất nhiều suy diễn, đồn đoán, về vụ đánh chìm tàu Cheonan và rằng có thể nào sẽ có những vụ khiêu khích khác đi tiếp theo sau đó hay không. Tôi cho rằng cuộc họp của chúng tôi hôm nay cần phải nhấn mạnh điều mà chúng tôi đã nói là sẽ không có chuyện dung túng cho những hành động khiêu khích. Và là thật là điều tốt, như tôi và bộ trưởng quốc phòng Nam Triều Tiên đã đồng ý, là vào thời điểm chuyển quyền tại Bắc Triều Tiên, liên minh của chúng tôi có lẽ mạnh nhất hơn bao giờ hết."
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng nếu sức khỏe của ông Kim Jung Il tệ hơn hoặc là có thay đổi trong ý kiến của quần chúng ở Bắc Triều Tiên cũng có thể đưa đến tình trạng bất ổn tại nước này và có thể có tác động đến an ninh ở cả hai miền Nam-Bắc. Ông cho biết các lực lượng của Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đều đã chuẩn bị cho mọi tình huống dự phòng.
Bộ trưởng Kim nói rằng Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên sẽ theo dõi sát các hoạt động của Bắc Triều Tiên và sẽ hợp tác để đối phó trong trường hợp cần thiết.
Ông cũng cho biết là Nam Triều Tiên sẵn sàng thảo luận với Bắc Triều Tiên, nhưng chỉ với điều kiện là miền Bắc chịu nhận trách nhiệm là họ đã đánh chìm tàu Cheonan, đưa ra lời xin lỗi, trừng phạt những kẻ có trách nhiệm và phải đưa ra những biện pháp để ngăn ngừa bất cứ những chuyện như thế xảy ra trong tương lai.
Ông cũng đề nghị viện trợ kinh tế thêm đễ giúp miền Bắc nếu nước này hợp tác với cộng đồng quốc tế.
Đề nghị này rõ ràng là muốn nói tới những nỗ lực quốc tế muốn thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, điều cũng đã được đề cập đến trong bản thông cáo chung đưa ra hôm thứ Năm.
Văn kiện này nói rằng "Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên không chấp nhận Bắc Triều Tiên như một quốc gia có vũ khí hạt nhân."
Bản thông cáo cũng cam kết mở thêm những cuộc diễn tập chung để đáp lại vụ đánh chìm tàu Cheonan, kể cả một số vụ thao diễn trong vùng biển Hoàng Hải, ở phía tây bán đảo Triều Tiên, một kế hoạch khiến Trung Quốc phẫn nộ.
Và văn kiện này cũng khẳng định là sẽ không có thay đổi trong con số 28 ngàn 500 binh sỹ Mỹ đồn trú tại Nam Triều Tiên, và Hoa Kỳ sẽ sử dụng đến hệ thống phòng thủ chống phi đạn và vũ khí hạt nhân, nếu cần, để bảo vệ Nam Triều Tiên.
Đây là cuộc họp thường niên lần thứ 42 giữa hai bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ- Nam Triều Tiên, và hai ông cam kết sẽ mở một cuộc họp nữa tại Hán Thành vào năm tới.
Tại các cuộc thảo luận hôm thứ Sáu ở Ngũ Giác Đài, hai bộ trưởng quốc phòng của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên cam kết tiếp tục cảnh giác đối với bất cứ hành động khiêu khích nào của Bắc Triều Tiên, nhất là trong giai đoạn miền bắc đang chuyển đổi quyền lãnh đạo từ tay Kim Jung Il sang cho người con trai út.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1