Đường dẫn truy cập

Mỹ, Nam Triều Tiên bàn về việc chuyển giao quyền lực ở Bắc Triều Tiên


Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell (phải) nói chuyện với giới truyền thông sau cuộc họp với Thứ trưởng Ngoại giao Nam Triều Tiên Kim Jae-shin (trái) ở Seoul, ngày 7/10/2010
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell (phải) nói chuyện với giới truyền thông sau cuộc họp với Thứ trưởng Ngoại giao Nam Triều Tiên Kim Jae-shin (trái) ở Seoul, ngày 7/10/2010

Một nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ tuyên bố Washington và Seoul cần phải theo sát các hành động để đáp lại mọi diễn biến trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc hội kiến giữa ông Kurt Campbell với các giới chức Nam Triều Tiên diễn ra vào lúc Bình Nhưỡng tỏ dấu cho thấy các chuẩn bị chuyển quyền đang được xúc tiến. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell nhắc lại lập trường của Hoa Kỳ là Bình Nhưỡng cần phải cải thiện quan hệ với Seoul trước khi có thể nối lại các cuộc đàm phán quốc tế về việc bãi bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Ông Campbell nói: “Như chúng tôi đã nói, bước đầu phải là sự giao tiếp trở lại giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Tôi cho rằng ta cũng đang đi tìm một cam kết rõ ràng và có thể chứng minh được về phía Bắc Triều Tiên để thực hiện những cam kết họ đã đưa ra về vấn đề phi hạt nhân hoá vào năm 2005.”

Mới đây Bắc Triều Tiên đã gợi ý việc đàm phán ở nhiều cấp bực với Nam Triều Tiên.

Ông Campbell phát biểu hôm nay sau các cuộc hội đàm với các nhà ngoại giao Nam Triều Tiên mà theo ông tập trung vào đại hội đảng ở Bắc Triều Tiên hồi tuần trước. Hội nghị hãn hữu này đã dành các chức vụ đầy quyền thế cho ông Kim Jong Un, người con trai út của lãnh tụ tối cao Kim Jong Il. Các chức vụ này rõ ràng là nhắm chuẩn bị cho ông Kim Jong Un lên kế nhiệm cha.

Các cơ quan truyền thông chính thức của Bắc Triều Tiên hôm nay loan tin ông Kim trẻ đã dự một buổi hòa nhạc với người cha. Đây là lần thứ nhì xuất hiện trước công chúng trong tuần của ông Kim trẻ, nhân vật mà cho đến mãi gần đây hầu như không bao giờ thấy.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên cho rằng hành động hướng tới một sự chuyển giao quyền lực tại Bình Nhưỡng cộng thêm vào những dấu hiệu bất định về những gì đang diễn ra tại Bắc Triều Tiên.

Trước đó trong tuần này, một cố vấn an ninh của tổng thống Nam Triều Tiên xác định mối đe dọa hạt nhân từ miền Bắc ở “mức đáng báo động.”

Các hình ảnh chụp bằng vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên có thể đang chuẩn bị phục hồi một số hoạt động tại cơ sở hạt nhân của họ ở Yongbyon.

Lò phản ứng chuyên sản xuất plutonium có thể dùng để chế tạo vũ khí này đã bị đóng cửa cách đây 3 năm theo một thỏa thuận quốc tế. Kể từ lúc đó, Bắc Triều Tiên đã chối bỏ thỏa thuận và đe dọa tiếp tục hoạt động. Năm ngoái, đất nước nghèo khó và khép kín này cho hay các cuộc thử nghiệm tinh chế uranium của họ đang ở vào các giai đoạn chót. Uranium tinh chế được sử dụng để làm vũ khí.

Đã có những cuộc thương nghị bị ngắt quãng với sự tham dự của cả hai nước Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga kể từ năm 2003 liên quan đến các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Trên nguyên tắc hai nước Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh bởi lẽ cuộc nối chiến chấm dứt vào năm 1953 mà không hề có một hòa ước.

Bang giao giữa hai chính phủ đã căng thẳng từ hơn một năm nay. Quan hệ còn trở nên xấu hơn hồi cuối tháng 3 năm nay khi một tầu hải quân của Nam Triều Tiên bị nổ và chìm. Một cuộc điều tra quốc tế quy trách cho một ngư lôi của Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng bác bỏ mọi trách nhiệm và gạt đi những lời yêu cầu của Seoul đòi họ phải xin lỗi về vụ đánh đắm tầu này như một sự mào đầu cho việc cải thiện bang giao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG