Các máy bay trực thăng quân sự của Hoa Kỳ đang giao vật phẩm cứu trợ cho dân chúng ở các khu vực của Pakistan bị ảnh hưởng nặng nề nhất của những trận lụt lội.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay viện trợ của Hoa Kỳ cho những vùng bị lụt đã lên đến tổng cộng 76 triệu đôla.
Đặc sứ Hoa Kỳ Richard Holbrooke hy vọng viện trợ này sẽ gây một ấn tượng lâu dài.
Ông Hobrooke nói: “Dân chúng Pakistan sẽ nhìn thấy rằng khi lâm vào tình trạng khủng hoảng, thì không phải Trung Quốc, không phải Iran, không phải những nước khác. Cũng chẳng phải EU, mà là Hoa Kỳ.”
Gần đây, tình cảm bài Mỹ đã dâng cao ở Pakistan.
Trong một cuộc khảo cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 60% số người Pakistan được thăm dò mô tả Hoa Kỳ là một kẻ thù.
Nhiều người trong số này nói họ chống đối những vụ oanh kích của máy bay không người lái Mỹ nhắm vào các phần tử nổi dậy trong những vùng bộ tộc nằm giáp ranh Afghanistan.
Họ nói rằng có quá nhiều thường dân vô tội đã bị thiệt mạng trong những vụ tấn công đó.
Nhưng một số cư dân Pakistan ở thung lũng Swat nói với một hệ thống truyền hình Hoa Kỳ rằnghọ biết ơn về những hành động cứu lụt của Hoa Kỳ.
Đáp lại câu hỏi của ký giả là sự kiện này có làm người dân Pakistan nhìn nước Mỹ bằng con mắt khác hay không, một cư dân nói rằng nước Mỹ luôn cứu giúp những người thiếu thốn, và điều này khiến họ rất ngạc nhiên.
Tuy vậy, nhiều người Pakistan vẫn tức giận về điều mà họ coi là phản ứng chậm chạp của chính nhà nước Pakistan.
Hôm thứ hai, người biểu tình ở tỉnh Punjab đã đốt vỏ xe và chận các đường sá.
Liên hiệp quốc đã phát động lời hô hào quyên góp 460 triệu đôla nhưng các tổ chức từ thiện nói sự đáp ứng rất chậm chạp, và cho đến nay mới đạt được 27% chỉ tiêu đề ra.
Tại Brussels hôm thứ hai, một người phát ngôn cho biết Liên hiệp châu Âu đang cứu xét thêm viên trợ cho Pakistan.
Người phát ngôn này nói: “Vì tầm mức của nạn lụt lên đến độ cao nhất và nghiêm trọng trong 80 năm nay, có thể là khoản viện trợ được Uỷ hội châu Âu chấp thuận cho đến nay vẫn chưa đủ.”
Một mối quan ngại lớn khác là vấn đề dịch bệnh.
Liên hiệp quốc nói 3 triệu rưởi trẻ em ở Pakistan có nguy cơ mắc các chứng bệnh lây truyền qua nước.
Một người phát ngôn nói rằng tổng cộng có tới 6 triệu người sẽ có rủi ro bị bệnh tiêu chảy và kiết lỵ nếu giới hảo tâm không cung cấp thêm viện trợ.
Phát ngôn viên này cảnh báo rằng có thể xảy ra sự kiện mà ông gọi là “đợt sóng tử thần thứ nhì.”
Các giới chức Hoa Kỳ cho biết họ có cam kết lâu dài nhằm giúp Pakistan phục hồi sau một trong những thiên tai nặng nề nhất lịch sử nước này. Những trận mưa mùa kéo dài suốt 3 tuần lễ đã làm khoảng 1 ngàn 600 người thiệt mạng và tác động đến 20 triệu người khác. Nỗ lực của Mỹ còn có một mục đích thứ yếu - ấy là cải thiện hình ảnh nước Mỹ dưới con mắt người Pakistan. Thông tín viên VOA Robert Raffaele giải thích thêm nguyên do trong bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1