Giới hữu trách Pakistan ước lượng rằng các trận lụt gây nhiều tàn phá ở Pakistan đang ảnh hưởng tới 20 triệu người. Trong số này, theo LHQ, có ít nhất 6 triệu người đang cần được hỗ trợ khẩn cấp để cứu mạng.
Một phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới, ông Paul Garwood, nói với Đài VOA rằng các chứng bệnh nguy hiểm lây lan qua nước nhiễm bẩn, phát triển mạnh trong các điều kiện thiếu vệ sinh, sinh hoạt chật chội mà nhiều người Pakistan đang phải chịu đựng.
Ông Garwood nói: “Trong các điều kiện có quá nhiều nước bẩn tại các cộng đồng nơi nhiều người sinh sống, khi mà các cư dân gặp hạn chế trong việc tiếp cận nguồn nước sạch và an toàn, khi mà có quá đông người sinh sống trong các điều kiện chật chội, thì nguy cơ các bệnh lây lan qua nước uống, chẳng hạn như tiêu chảy cấp tính, sẽ tăng.”
Ông Garwood nói bất cứ ai cũng có thể lâm bệnh, nhưng trẻ con, cũng như phụ nữ và người cao niên là thành phần dễ nhiễm bệnh nhất. Ông nói Tổ chức Y tế Thế giới đã được báo cáo là đã có hàng ngàn ca tiêu chảy cấp tính tại Pakistan.
Ông nói nhiều trẻ em đang mắc phải bệnh tiêu chảy, các bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp, và các bệnh ngoài da như ghẻ lở.
Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng các bệnh lây lan qua nước uống, và các bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi, chỉ là một phần trong các quan tâm về y tế.
Ông lưu ý rằng gần 100 cơ sở y tế đã bị hư hại, hoặc tàn phá do nạn lụt. Và tình huống này đang cản trở các nỗ lực nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế cho những người cần được chăm sóc.
Ông Garwood nói tiếp: "Chúng tôi biết rằng rất nhiều người đã bị thương. Họ cần được giúp đỡ để chữa lành các vết thương. Nhiều người còn bị chấn thương về mặt tâm lý, tinh thần vì đã trải qua một biến cố gây chấn động mạnh. Ngoài ra, phụ nữ vẫn tiếp tục sinh con. Các thai phụ cần được tiếp tục chăm sóc sức khỏe. Ngoài các bệnh truyền nhiễm, còn nhiều vấn đề y tế khác cần được đáp ứng, và người ta cần nhận thức được tình trạng đó."
Ông Garwood nói Tổ chức Y tế Thế giới hiện có hơn 300 nhân viên đang làm việc trên khắp lãnh thổ Pakistan. Ông cho biết hàng trăm nhân viên y tế lưu động đang di chuyển trên khắp các khu vực bị lụt tàn phá nặng nề nhất, để chữa trị các bệnh nhân và những người bị thương. Ông Garwood cho hay hàng trăm tấn thuốc men đã được phân phối.
Ông lưu ý rằng tất cả những hoạt động vừa kể đều tốn kém, và ông hối thúc các nước và tổ chức cấp viện quốc tế hãy đáp ứng lời Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi đóng góp 56 triệu đôla. Ông nói ngân khoản ấy rất thiết yếu để có thể cung cấp các dịch vụ tối quan trọng cứu mạng người, và chữa trị cho hàng triệu người trong 90 ngày sắp tới.
Liên Hiệp Quốc khuyến cáo có đến 3,5 triệu trẻ em ở Pakistan, nước đang bị lũ lụt tàn phá, đang gặp nguy cơ mắc những chứng bệnh do nước bẩn gây ra. Phát ngôn viên của cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Pakistan nói rằng trẻ em trong những tình huống khẩn cấp rất dễ mắc phải các chứng bệnh gây tử vong, như tiêu chảy cấp tính và kiết lỵ. Từ Genève, thông tín viên Lisa Schlein gửi về thêm các chi tiết sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1