Các câu hỏi về phúc trình của IAEA, mà một số chi tiết đã bị tiết lộ trước khi được cơ quan đặt trụ sở ở Vienna chính thức đệ trình, đã đi đầu buổi họp báo tại Tòa Bạch Ốc.
Các tin tức báo chí đã tập trung vào một số kết quả chính của bản phúc trình. Các cơ quan truyền thông Israel đưa tin về các cuộc tranh luận sôi nổi của cả chính phủ lẫn công chúng nước này về khả năng tiến hành một cuộc tấn công quân sự phủ đầu nhắm vào Iran.
Một bài báo đăng trên tờ Washington Post loan tin các nhà ngoại giao và chuyên gia hạt nhân phương Tây từng xem xét các tin tức tình báo tin rằng Iran đã tiến hành các bước chủ yếu nhằm khắc phục những khó khăn kỹ thuật với sự trợ giúp của các khoa học gia nước ngoài. Iran nhất mực nói rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney nói rằng phúc trình của IAEA dự kiến sẽ ‘lặp lại và củng cố’ các quan ngại về thái độ của Iran cũng như việc nước này không tuân thủ các cam kết quốc tế, đồng thời cho biết thêm rằng các biện pháp chế tài quốc tế đối với Iran vẫn có hiệu lực.
Ông Carney nói rằng Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi đường lối ngoại giao, nhưng ông nhắc lại lập trường cố hữu rằng sẽ không loại trừ bất cứ phương án nào. Oâng trả lời như vậy khi được hỏi Washington có quan điểm ra sao trước một cuộc tấn công phủ đầu của Israel nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Ông Carney nói Hoa Kỳ chắc chắn đang ở trong một tình thế chưa từng tồn tại, trong đó vì đường lối song hành mà tổng thống cũng như chính quyền hiện nay đã theo đuổi, thế giới nay thấy rõ rằng Hoa Kỳ không phải là một vấn đề, mà là Iran, thái độ của Iran. Điều đó cho phép Hoa Kỳ huy động cộng đồng quốc tế theo cách chưa từng tồn tại trong quá khứ, để cùng nhau gây áp lực buộc Iran phải thay đổi thái độ.
Ông Carney cũng có câu trả lời gần giống như vậy khi được hỏi Tổng thống Obama dự kiến sẽ thực hiện điều gì sau khi IAEA công bố phúc trình, cũng như về tính hiệu quả của các biện pháp chế tài đối với Iran.
Trong khi đó, tại Bộ Ngoại giao, nữ phát ngôn viên Victoria Nuland tuyên bố Hoa Kỳ và các nước khác đã có các buổi thảo luận sơ bộ.
Ông Nuland nói: “Tôi nghĩ chúng tôi cảm nhận được từ văn phòng tổng giám đốc IAEA về nội dung của phúc trình sẽ bao gồm và một số vấn đề mà bản phúc trình có thể gây khó khăn. Nhưng tôi xin nhắc lại, cho tới khi nào phúc trình đó được chung quyết, cho tới khi tổng giám đốc IAEA tường trình về phúc trình này, tôi không muốn đi trước ông ấy.”
Bà Nuland lặp lại quan điểm của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế rằng Iran được phép sử dụng chương trình hạt nhân của mình cho các mục đích hòa bình, chừng nào mục đích này rõ ràng, và Iran cho phép các cuộc thanh sát toàn diện. Nhưng nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Iran đã không cho phép thực hiện các cuộc thanh sát đầy đủ và trao đổi thông tin nhằm trấn an thế giới, và rằng Tehran vẫn tiếp tục làm giàu uranium tới hơn 20% - tức là vượt quá mức cần thiết cho việc sản xuất năng lượng vì mục đích hòa bình.
Tại hội nghị thượng đỉnh khối G20 tại Pháp trong tuần trước, Tổng thống Obama tuyên bố chương trình hạt nhân của Iran đề ra một ‘mối đe dọa liên tục’, và thúc giục Tehran tuân thủ các trách nhiệm về hạt nhân.
Hôm qua, khi được hỏi về việc ông Obama có thể sẽ đưa ra một tuyên bố mới về vấn đề hạt nhân của Iran, ông Jay Carney chỉ lặp lại rằng tổng thống sẽ không bình luận về vấn đề này trước khi phúc trình được chính thức công bố.
Các giới chức Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ tiếp tục chú trọng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vụ giằng co với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. Từ Tòa Bạch Ốc, thông tín viên đài VOA Dan Robinson tường thuật về các nhận định của phát ngôn viên của Tổng thống Barack Obama và Bộ Ngoại giao để đáp lại các câu hỏi về một phúc trình về Iran, dự kiến sẽ được Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA) công bố.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1