Các cuộc họp kéo dài 4 ngày này là cuộc Đối thoại cấp cao đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Ông Williams Burns, Thứ trưởng đặc trách sự vụ chính trị của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết rằng nhiều cuộc thảo luận đã được thực hiện.
Ông Burns cho biết: "Chúng tôi có 18 cuộc đối thoại riêng rẽ đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ để thật sự tìm cách biết rõ về tầm mức đầy đủ của những cơ hội trước mắt chúng tôi."
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã trở thành quốc khách đầu tiên của chính phủ của Tổng thống Obama khi ông đến thăm Tòa Bạch Ốc hồi năm ngoái. Tổng thống Obama dự trù đi thăm Ấn Độ trong năm nay. Thứ trưởng Burns cho biết các cuộc thảo luận trong tuần này có mục đích tăng cường những hoạt động hợp tác trong tương lai.
Ông Burns nói: "Mục tiêu của cuộc đối thoại này là thật sự suy nghĩ với tầm nhìn chiến lược và, một lần nữa, tập họp những giới chức then chốt của hai nước để bàn bạc trước chuyến công du của Tổng thống Obama và để suy nghĩ với tầm nhìn chiến lược về những gì chúng tôi có thể làm. Đây không phải là một cuộc duyệt xét về những gì chúng tôi đã làm. Chúng tôi biết mình đã làm những gì. Việc này thật ra là để suy nghĩ trước. Và khi mà chúng tôi có được tất cả những giới chức cao cấp gặp nhau ở một chỗ, chúng tôi sẽ tận dụng thời gian của họ và sử dụng thời gian này một cách hữu ích. Cuộc đối thoại này không phải để thay thế cho 18 cuộc đối thoại riêng rẽ mà chúng tôi đang có và được dẫn đầu bởi các vị bộ trưởng của đôi bên."
Ông Burns nói thêm rằng đề tài thảo luận của cuộc Đối thoại Chiến lược bao gồm hầu như toàn bộ các vấn đề quan trọng giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Ông Burns nói tiếp: "Thật ra thì chúng tôi sẽ có hai phiên họp. Chúng tôi sẽ có một phiên họp toàn thể, để bàn về mọi vấn đề song phương mà chúng tôi đang làm việc chung với nhau – như chống khủng bố, kiểm soát xuất khẩu và công nghệ cao, kinh tế và tài chánh, cơ sở hạ tầng, giáo dục, năng lượng, và biến đổi khí hậu."
Ông Burns nói rằng hai giới chức hàng đầu là Bộ trưởng Ngoại giao S. M. Krishna và Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ bàn thảo với nhau về những vấn đề tế nhị nhất của các nước láng giềng của Ấn Độ.
Ông Burn nói: "Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Krishna sẽ có một cuộc thảo luận về các vấn đề toàn cầu như tôi đã đề cập, nhưng sau đó họ sẽ quay lại với một số các vấn đề quan trọng của khu vực, đặc biệt là vấn đề Afghanistan và Pakistan."
Thứ trưởng Burns cho hay với tư cách là một cường quốc hạt nhân, Ấn Độ có thể mang lại một cơ hội trực tiếp cho những người Mỹ làm việc trong lãnh vực hạt nhân.
Ông Burns nói: "Chúng tôi đang theo dõi rất sát dự luật về trách nhiệm hạt nhân mà chính phủ Ấn Độ đã trình cho quốc hội Ấn Độ. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ cung cấp một sự bảo vệ quan trọng về mặt pháp lý và dọn đường cho việc xuất khẩu những lò phản ứng hạt nhân của Mỹ trị giá hàng tỉ đô la và tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm."
Ông Burns cũng cho biết rằng khu vực giáo dục của Hoa Kỳ cũng sắp sửa tiến vào thị trường khổng lồ ở Ấn Độ.
Ông Burns nhận định: "Một sơ thảo dự luật rất quan trọng đã được giới thiệu ở quốc hội Ấn Độ với nội dung chính là lần đầu tiên Ấn Độ sẽ cho phép các trường đại học ở ngoại quốc được thực hiện ở Ấn Độ những chương trình giảng dạy có cấp bằng và thành lập các phân hiệu ở Ấn Độ. Như quí vị đã biết, Ấn Độ có một nền kinh tế với khu vực dịch vụ vô cùng năng động, nhưng nền kinh tế của họ cũng là một nền kinh tế ngày càng dựa trên tri thức nhiều hơn. Và họ nghĩ rằng có một việc rất quan trọng là cung cấp cơ hội giáo dục bậc cao đẳng cho khối dân trẻ trung của họ, trong đó có đến phân nửa là những người dưới 26 tuổi."
Cuộc đối thoại Chiến lược Mỹ-Ấn sẽ kết thúc vào ngày thứ Sáu tuần này.
Các giới chức Ấn Độ đang có mặt tại Washington để tham gia Cuộc Đối thoại Chiến lược với các giới chức tương nhiệm phía Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông S.M. Krishna, và ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đang cầm đầu các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau - từ năng lượng, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục cho tới quốc phòng và chống khủng bố. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết của hội nghị quan trọng này qua bài tường thuật của thông tín viên Jim Stevenson.