Các giới chức Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết họ đã nộp một kháng thư chính thức sau khi một nhà ngoại giao Mỹ bị lực lượng an ninh Việt Nam hành hung trong lúc tìm cách tới thăm một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng.
Hôm thứ Năm (6 tháng 1, 2011), các giới chức của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nói rằng hành động đối xử sai trái của nhà chức trách Việt Nam là “một sự vi phạm trắng trợn” những qui định của Công ước Geneve về bảo vệ cho nhân viên ngoại giao ở nước ngoài.
Các giới chức Hoa Kỳ không trình bày chi tiết của vụ việc xảy ra hôm thứ Tư ở Huế vì còn chờ đợi sự giải thích của giới hữu trách Việt Nam.
Tuy nhiên, tin tức báo chí cho biết ông Christian Marchant, Tùy viên Chính trị của Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội, đã bị nhân viên an ninh Việt Nam đối xử thô bạo trước cổng Nhà Chung của Tổng Giáo Phận Huế trong lúc tìm cách tới thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng từng bị giam cầm nhiều năm vì những hoạt động tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ.
Các hãng thông tấn quốc tế trích lời những người mục kích nói rằng nhân viên an ninh đã vật ông Marchant ngã xuống đất trước khi đưa ông lên xe cảnh sát để chở đi nơi khác.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ở Washington cho đài VOA biết rằng một kháng thư chính thức cũng đã được trao cho ông Lê Công Phụng, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Linh mục Nguyễn Văn Lý, năm nay 63 tuổi, đã bị tuyên án 8 năm tù hồi năm 2007 về tội gọi là “tuyên truyền chống nhà nước.” Tháng 3 năm ngoái ông được tạm tha một năm vì lý do sức khỏe và được đưa về quản chế tại Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế để tiện việc chữa trị.
Quan hệ ngoại giao giữa Washington và Hà Nội đã được cải thiện đáng kể trong năm 2010 nhưng các vấn đề về nhân quyền vẫn tiếp tục là một nguồn chính làm phát sinh những vụ xích mích giữa đôi bên.
Tháng trước, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak cho biết rằng quyền tự do diễn đạt ở Việt Nam đang bị bóp nghẹt thêm nữa, với những hạn chế mới đối với những người viết blog và các địa điểm internet và những vụ tấn công nhắm vào những trang mạng có những bài viết phê phán chính quyền.
Ðại sứ Michalak nói thêm rằng có 24 người bị bắt và 14 người khác bị tuyên án tù trong năm 2010 “vì bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa.”
Nguồn: Reuters, AFP, AP, VOA
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1