Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc nói Hoa Kỳ không có chỗ đứng trong vụ tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo về những hòn đảo trong vùng Biển Đông Trung Quốc.
Ông Mã nói vụ tranh chấp là giữa Nhật Bản và Trung Quốc, và nhóm đảo này đã là lãnh thổ được kế thừa của Trung Quốc từ thời xa xưa.
Các nhận định hôm nay được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuần trước nêu ra đề nghị ở Hà Nội là chủ trì các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳnggiữa hai cường quốc Á châu.
Hôm nay, bà Clinton nói bà vẫn giữ nguyên đề nghị và các cuộc đàm phán sẽ không tập trung riêng vào các vấn đề lãnh thổ.
Ông Mã nói Trung Quốc muốn vận dụng các cơ chế đối thoại khu vực để giải quyết tranh chấp về nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku. Nhật Bản đang kiểm soát nhóm đảo này.
Ông Mã cũng nói bà Clinton là “sai lầm” trong các nhận định hồi tuần trước khi bà nói rằng hiệp định quốc phòng chung giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản áp dụng cho nhóm đảo đó.
Vụ tranh chấp bùng ra hồi tháng 9 khi một tầu đánh cá của Trung Quốc đụng phải những tầu tuần duyên của Nhật Bản gần nhóm đảo này và Nhật Bản đã bắt giữ viên thuyền trưởng. Sự kiện đó khiến Bắc Kinh phẫn nộ, và bãi bỏ các cuộc họp với Nhật Bản, đồng thời hạn chế việc xuất khẩu các khoáng sản đất quý cho giới các nhà sản xuất ở Nhật Bản.
Sau đó, Tokyo đã phóng thích viên thuyền trưởng nhưng kể từ lúc đó các cuộc biểu tình bài Nhật đã bùng ra ở một số thành phố Trung Quốc. Tuần trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc và Thủ tướng Naoto Kan của Nhật Bản đã họp không chính thức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Hà Nội.
Ông Chung Chien Peng, một giáo sư chính trị học tại trường đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong, nói rằng không có giải pháp nào dễ dàng cho vụ tranh chấp này.
Ông Chung cho biết: “Một số người phía Nhật Bản có thể tìm cách kéo Hoa Kỳ vào vụ này để nói rằng sẽ có những ảnh huởng về an ninh nếu phía Trung Quốc nắm được các hòn đảo. Đương nhiên, Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia riêng của mình. Tôi không cho rằng Hoa Kỳ muốn thấy bất cứ một cuộc xung đột vũ trang nào giữa Trung Quốc và Nhật Bản v2i những hòn đảo nhỏ bé này.”
Trong một diễn biến khác, hôm nay Tokyo đã triệu hồi đại sứ tại Nga một ngay sau khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đi thăm một hòn đảo đang có tranh chấp ở phía bắc Nhật Bản. Moscow đã kiểm soát dãy đảo Kuril này kể từ khi quân đội Sô viết chiếm đóng quần đảo vào cuối thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, Tokyo vẫn nhận chủ quyền 4 hòn đảo nằm gần đảo Hokkaido nhất.
Trung Quốc đã bác bỏ một đề nghị của Hoa Kỳ đứng ra điều giải trong vụ tranh chấp về lãnh thổ với Tokyo, một vụ đã gây ra những mối quan ngại về an ninh ở đông Á trong mấy tuần vừa qua. Từ Hong Kong, thông tín viên VOA Heda Bayron ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1