Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ và Trung Quốc đua nhau 'lấy lòng' Indonesia


Tổng thống Barack Obama, trái, và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trong bữa tiệc tối ở Jakarta, Indonesia, thứ Ba 9/11/2010
Tổng thống Barack Obama, trái, và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trong bữa tiệc tối ở Jakarta, Indonesia, thứ Ba 9/11/2010

Hồi đầu tuần này Hoa Kỳ đã ký kết một hiệp định đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Indonesia – là nước dân chủ lớn hàng thứ 3 thế giới. Việc ký kết diễn ra trong lúc Tổng thống Barack Obama hội kiến Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tại Jakarta và bày tỏ mong muốn của Washington là trở thành quốc gia đầu tư nhiều nhất ở Indonesia, thay vì đứng hạng 3 sau Nhật Bản và Trung Quốc như hiện nay. Một ngày trước đó, phái đoàn Trung Quốc do Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc cầm đầu đã họp với các giới chức cao cấp ở Jakarta và cam kết đầu tư hơn 6 tỉ rưỡi đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng ở quốc gia lớn nhất vùng Đông Nam Á này. Các nhà quan sát cho rằng hai diễn tiến vừa kể nêu bật sự kiện là Washington và Bắc Kinh đang tranh đua với nhau để gia tăng ảnh hưởng ở Indonesia nói riêng và ở toàn khu vực Á châu nói chung. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách.

Trong chuyến viếng thăm Jakarta được mô tả là “chuyến về quê” hồi đầu tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã ký với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono một hiệp định hợp tác chiến lược toàn diện và hứa hẹn sẽ ra sức làm việc để tăng cường các mối quan hệ giữa hai nền dân chủ lớn hàng thứ nhì và thứ ba thế giới. Trong bài diễn văn đọc tại Đại học Indonesia ở Jakarta, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng Indonesia là “một phần của con người ông” và tán dương sự chuyển đổi sang thể chế dân chủ ở Indonesia trong thập niên qua. Ông cam kết gia tăng gấp đôi số sinh viên trao đổi giữa hai nước và bày tỏ mong muốn là Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Indonesia -- thay vì đứng hạng ba, sau Nhật Bản và Trung Quốc, như hiện nay.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Yudhoyono, ông Obama cho biết Hoa Kỳ muốn bảo đảm là vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á ở vùng biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông được giải quyết bằng đường lối hòa bình. Ông cũng tái khẳng định là Hoa Kỳ không hề tìm cách “ức chế” hay bao vây Trung Quốc để xoa dịu những mối nghi ngờ của các nước vùng Đông Nam Á. Ông Obama nói “Chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc thịnh vượng và an toàn là một việc tích cực và chúng tôi không hề có ý định ngăn chận tiến trình này.”

Một ngày trước khi ông Obama đến Jakarta, phái đoàn Trung Quốc do Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc cầm đầu đã kết thúc chuyến viếng thăm 3 ngày ở Indonesia với loan báo là Bắc Kinh sẽ đầu tư 6,6 tỉ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển ở Indonesia. Ông Ngô Bang Quốc cũng đã thảo luận với Tổng thống Yudhoyono về những nỗ lực để tăng số đầu tư nước ngoài vào Indonesia lên mức 50 tỉ đô la vào năm 2014.

Kế hoạch đầu tư của Trung Quốc được loan báo trong lúc nền kinh tế Indonesia tự tách ra khỏi ảnh hưởng của kinh tế Hoa Kỳ. Trong bài viết đăng trên tờ The Jakarta Post hôm thứ ba, kinh tế gia Winamo Zain cho biết kinh tế Indonesia đã không phải gánh chịu nhiều tác động của vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu hồi năm ngoái chính là nhờ việc nước này đã bớt lệ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Ông Winamo nói rằng năm nay thị trường Hoa Kỳ chiếm 10,5% lượng xuất khẩu của Indonesia, giảm từ con số 12,3% của năm 2007. Trong cùng thời gian này, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc tăng 7,3%.

Các nhà phân tích cho rằng những sự kiện vừa kể nêu bật cuộc chạy đua giữa Bắc Kinh và Washington nhằm lôi kéo Indonesia ngã về phe mình trong lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc ra sức tranh giành ảnh hưởng ở Á châu nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Tường thuật hôm thứ tư của tờ Jakarta Globe trích lời giáo sư Bantarto Bandoro của Đại học Indonesia nói rằng “Điều mà Hoa Kỳ muốn làm ở Indonesia là ngăn chận, nếu không muốn nói là chấm dứt, việc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.” Ông Bantaro nói thêm rằng “Ngay cả trong trường hợp chỉ là một mối quan hệ đối tác thì đó vẫn là một cách gián tiếp để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, và Hoa Kỳ đang tìm kiếm nhiều nước Á châu để thiết lập quan hệ như vậy.”

Mặc dù vậy, một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng điều được gọi là chiến lược bao vây Bắc Kinh của Hoa Kỳ không phản ánh ý định thực sự của Tòa Bạch Ốc. Tường thuật hôm thứ 5 của tờ Nhân dân Nhật báo ở Bắc Kinh trích lời giáo sư Đào Văn Triệu, một nhà nghiên cứu các vấn đề Mỹ Quốc của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng bao vây Trung Quốc là một chính sách mà Hoa Kỳ đã áp dụng trong thời Chiến tranh Lạnh, nhưng cuộc diện thế giới ngày nay đã trải qua những thay đổi kịch liệt, nên việc Hoa Kỳ tiếp tục xem Trung Quốc là địch thủ sẽ là một điều vô cùng thiếu khôn ngoan. Ông Ngưu Tuấn, một chuyên gia về Hoa Kỳ của Đại học Bắc Kinh, cũng có một nhận định tương tự. Ông nói rằng Hoa Kỳ cũng được lợi khi làm nguội đi những luận điệu về "bao vây Trung Quốc" vì việc một số người ở Mỹ không ngớt nhấn mạnh tới "mối đe dọa của Trung Quốc" có thể gây ra những vụ tranh chấp không cần thiết hay làm cho Bắc Kinh cảm thấy bực bội.

Trong bài diễn văn đọc tại ở Hawaii hôm 28 tháng 10 trước khi lên đường đến Hà Nội để dự các cuộc họp cấp cao của ASEAN, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cũng đã chính thức tuyên bố rằng Hoa Kỳ không hề có ý định bao vây Trung Quốc và không ai được lợi khi Hoa Kỳ và Trung Quốc xem nhau như địch thủ. Tuy nhiên nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện quân sự mạnh mẽ là một yếu tố quan trọng trong sự giao tiếp chiến lược của Hoa Kỳ ở Á châu Thái bình dương.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo ở Jakarta nhận ra rằng Indonesia là nước nhận được nhiều phần thưởng nhất trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Á châu. Và với sự tự tin có được từ những thành quả ngoạn mục về chính trị và kinh tế trong những năm qua, Indonesia đã tái khẳng định chính sách ngoại giao độc lập của mình và hô hào cho điều gọi là “thế quân bình động.”

Theo tường thuật của tờ Jakarta Globe, Tổng thống Yhudoyono hồi đầu tuần này đã lên tiếng cảnh báo chống lại chủ trương ngã theo một bên trong vụ tranh giành quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhà lãnh đạo từng theo học tại Ðại học Tham mưu và Chỉ huy của Lục quân Hoa Kỳ và lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ nói rằng “Tôi không ủng hộ lý thuyết cho rằng phải dựa vào cường quốc này để chống cường quốc kia, tuy tôi thừa nhận là cần phải có một tình trạng quân bình có tính năng động.” Trong khi đó, tờ New York Times cũng trích lời cựu bộ trưởng quốc phòng Indonesia, ông Juwono Sudarsono, nói rằng “Chúng tôi muốn duy trì một không gian chiến lược nằm ngoài sự kình địch giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.” Ông Sudarsono, người đứng đầu ngành quốc phòng từ năm 2004 đến năm 2009 dưới quyền Tổng thống Yudhoyono, nói thêm rằng “Chúng tôi có thể lèo lái giữa sự kình địch đó và sẽ thường xuyên đưa ra các tín hiệu là cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều quan trọng đối với chúng tôi; bởi vì nếu chúng tôi liên kết quá gần gũi với một bên thì điều đó sẽ tổn hại cho những giá trị cốt lõi của chính sách đối ngoại của Indonesia.”

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng tuy có sự ve vãn của Bắc Kinh, nhưng Indonesia – cũng như các nước khác ở Ðông Nam Á, ngoại trừ Lào, Cambode và Miến Ðiện, vẫn tiếp tục có quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ về mặt kinh tế và chiến lược. Tờ New York Times trích lời giáo sư Carl Thayer của Ðại học Quốc phòng Australia, nói rằng “Indonesia sẽ không bao giờ liên kết với Mỹ một cách lộ liễu, nhưng họ sẽ biết cách tham gia vào trò chơi này.”

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG