Nhân quyền là một trong những vấn đề mà hai chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc thường có ý kiến khác biệt với nhau.
Bản phúc trình thường niên về nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, công bố hồi đầu tháng này, đã nêu đích danh Trung Quốc để chỉ trích.
Văn kiện này nói rằng Bắc Kinh đã gia tăng những sự hạn chế đối với những người chỉ trích, siết chặt sự kiểm soát đối với xã hội dân sự, chà đạp tự do ngôn luận, và hạn chế quyền tự do truy cập internet.
Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp lại bằng cách hối thúc Washington hãy ngưng ngay điều mà ông gọi là “làm kẻ thuyết giáo về nhân quyền”.
Ông Hồng Lỗi thúc giục Hoa Kỳ xem xét lại thành tích nhân quyền của chính mình và chớ tiếp tục dùng phúc trình nhân quyền của mình để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Trung Quốc chỉ trích Hoa Kỳ về những vấn đề như nạn vô gia cư, tội phạm có bạo động, và con số tù nhân rất lớn.
Bắc Kinh cũng tố cáo các nước Tây phương thực hiện một âm mưu chống Trung Quốc khi nhà văn bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba đang bị cầm tù được trao giải Nobel Hòa bình hồi tháng 12 năm ngoái.
Không lâu sau đó, giới hữu trách Trung Quốc đã bắt đầu bắt giam mấy mươi luật sư và những nhân vật tranh đấu trên cả nước, rõ ràng là vì họ cảm thấy bất an trước việc có những bài viết trên internet kêu gọi dân chúng Trung Quốc thực hiện những cuộc biểu tình tương tự những vụ xuống đường đang gây chấn động ở Trung Đông.
Nhân vật được chú ý nhiều nhất trong số người bị bắt là ông Ngãi Vị Vị. Nghệ sĩ nổi tiếng này đã bị công an bắt đi biệt tích từ đầu tháng Tư. Các chính phủ Tây phương đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho ông.
Các giới chức Mỹ-Trung đã ngồi vào bàn thương nghị ở Bắc Kinh ngày hôm nay để thảo luận về nhân quyền trong một bầu không khí như vậy.
Một số các nhân vật tranh đấu nhân quyền đã nêu nghi vấn về tác dụng của các cuộc đàm phán. Họ cho rằng những cuộc thảo luận như vậy có thể làm giảm bớt tính chất quan trọng của vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, giáo sư Mão Dư Thời, một kinh tế gia ở Bắc Kinh có chủ trương tự do và thường hô hào cho việc cải cách dân chủ, nói rằng sự chú tâm của các nước khác đối với thành tích nhân quyền của Trung Quốc là một việc vô cùng quan trọng.
Giáo sư Mão nói rằng trong bối cảnh chính trị hiện nay ở Trung Quốc, khi chính phủ đang ra tay trấn áp những lực lượng đòi hỏi nhân quyền, sự chỉ trích của bên ngoài là cực kỳ quan trọng cho tiến bộ về nhân quyền ở Trung Quốc.
Trong quá khứ, hội nghị thường niên Mỹ-Trung về nhân quyền đã bị gián đoạn vì những vụ xích mích giữa Washington với Bắc Kinh. Cuộc đối thoại bị hủy bỏ từ năm 2004 đến năm 2008 vì Bắc Kinh tức giận trước việc Hoa Kỳ bảo trợ cho một nghị quyết chỉ trích Trung Quốc tại Ủy hội Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Cuộc đối thoại năm nay sẽ kết thúc vào ngày mai.
Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa bắt đầu cuộc thảo luận 2 ngày về nhân quyền, trong lúc có những ý kiến khác nhau về vụ đàn áp đang tiếp diễn ở Trung Quốc nhắm vào những người bất đồng chính kiến. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gởi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1