Ðặc sứ Campell đã yêu cầu được gặp bà Aung San Suu Kyi như điều kiện để ông đến thăm Miến Điện. Tuy được phép gặp khôi nguyên giải Nobel Hòa bình này tại một nhà khách của chính phủ, rõ ràng là ông Campell không đạt tiến bộ nào trong nỗ lực thay đổi kế hoạch bầu cử của Miến Điện – một kế hoạch mà các giới chức Hoa Kỳ cảnh báo là không có tính chất khả tín.
Đây là chuyến công du Miến Điện thứ nhì của đặc sứ Campell kể từ tháng 11 năm ngoái, trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama để giao tiếp với chính phủ quân nhân cô lập tại Đông Nam Á này và thúc giục họ tiến hành cải cách.
Phát biểu hôm qua trước khi rời Miến Điện, ông Campell cho biết ông rất thất vọng trước sự phản ứng của giới hữu trách Miến điện đối với lời kêu gọi mở rộng tiến trình bầu cử.
Ông Campell nói rằng tuy ông đã trình bày một đề nghị về việc thực hiện một đối thoại chính trị “khả tín” giữa các bên có quyền lợi và có quan tâm ở Miến Điện, nhà cầm quyền quân sự nước này cho biết họ sẽ xúc tiến kế hoạch bầu cử mà ông Campell cho là thiếu tính hợp pháp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ P.J Crowley cũng có nhận định tương tự. Nhưng ông nói thêm rằng các nỗ lực của Hoa Kỳ để giao tiếp với chính quyền quân nhân Miến Điện vẫn được tiếp tục với sự hậu thuẫn của bà Aung San Suu Kyi
Ông Crowley cho biết: "Chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi nỗ lực giao tiếp này, và đó là lý do đặc sứ Campell đã đi Miến Điện. Trong thực tế, trong cuộc tiếp xúc với bà Aung san Suu Kyi, bà đã chia sẻ sự thất vọng với ông Campell về việc nhà cầm quyền không có tiến bộ hơn chút nào và không sẵn sàng mở rộng không gian chính trị, không chịu thực hiện một cuộc đối thoại có ý nghĩa với các nhóm sắc tộc. Nhưng bà vẫn tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Hoa Kỳ, và quốc tế, trong việc giao tiếp với chính quyền Miến Ðiện."
Ông Crowley không cho biết khi nào sự giao tiếp sẽ tiếp diễn và bằng cách nào, nhưng ông nói rằng chính quyền Tổng thống Obama sẽ tiếp tục gây sức ép để đòi Miến Điện thay đổi kế hoạch bầu cử.
Ông Crowley cũng cho biết Hoa Kỳ muốn Miến Điện tuân thủ nghĩa vụ của họ theo nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ năm ngoái là siết chặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Bắc Triều Tiên, tuy ông không nói rõ Miến Điện có thể đã vi phạm các điều khoản của nghị quyết đó như thế nào.
Các qui định về cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào một thời gian nào đó trong năm nay tại Miến Điện cấm bà Aung san Suu Kyi và Liên minh toàn quốc đấu tranh cho Dân chủ của bà không được tham gia bầu cử, mặc dù liên minh này đã đạt thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng đã bị cấm không được nắm quyền.
Các tổ chức nhân quyền, lâu nay vẫn chỉ trích nhà cầm quyền quân nhân Miến Điện, đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực hoà giải của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bà Sophie Richardson, phó giám đốc bộ phận Á châu của Tổ chức Human Rights Watch, nói rằng bà không tin là nhà cầm quyền quân sự Miến Điện sẽ thay đổi đường lối nếu quốc tế không siết chặt các biện pháp trừng phạt.
Bà Richardson nói: "Trên nguyên tắc, tôi không thấy đặc sứ Campell có gì sai lầm khi gặp các lãnh đạo trong chính phủ quân nhân. Nhưng theo tôi thì sự gia tăng đối thoại sẽ không có kết quả, nếu điều này không được nối kết với các hành độïng có tác động thật sự như hoàn toàn cấm vận về ngành ngân hàng và theo đuổi việc thành lập lập một ủy ban để điều tra về các tội phạm chiến tranh và tội ác chống nhân loại ở Miến Ðiện."
Chính phủ của cựu Tổng thống George W. Bush đã áp đặt cấm vận hầu như hoàn toàn về mậu dịch đối với Miến Điện vì thành tích nhân quyền của nước này. Hôm qua, đặc sứ Capell nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Obama sẽ tiếp tục sự trừng phạt Miến Điện.
Nhà ngoại giao của Hoa Kỳ cho biết ông xúc động trước sự kiên trì của bà Aung san Suu Kyi và cam kết của bà về một nước Miến Điện công bằng và rộng lượng hơn, mặc dù bà đã bị giam giữ nhiều năm. Ông nói rằng việc nhà cầm quyền Miến Điện từ chối những đề nghị hợp tác của bà để giải quyết vấn đề đất nước quả là một bi kịch.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết chính quyền của Tổng thống Obama vẫn chưa từ bỏ ý định chủ động giao tiếp với Miến Điện mặc dù chuyến thăm nước này của một đặc sứ cao cấp được mô tả là đầy thất vọng. Theo tường trình từ Bộ ngoại giao của Thông tín viên đài VOA David Gollust thì ông Kurt Campell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, đặc trách đông Á, đã được phép hội kiến lãnh tụ dân chủ Miến Điện đang bị giam giữ là bà Aung San Suu Kyi.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1