Trong một cuộc họp báo tiếp theo Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono không cho biết ông ủng hộ hay chống đối thỏa thuận giữa Australia và Hoa Kỳ để 2.500 binh sĩ Mỹ trú đóng ở Australia trong vài năm tới đây.
Ông Yudhoyono chỉ nói rằng ông cảm thấy an tâm rằng Hoa Kỳ có cam kết duy trì hòa bình trong khu vực.
Tổng thống Indonesia cho hay ông đã họp với Tổng thống Obama để chính thức nghe nói rằng Hoa Kỳ không có ý định gây phiền hà cho bất kỳ nước láng giềng nào của Australia.
Bất kể sự bất đồng ý kiến công khai của một số nhà lãnh đạo, ông Carl Thayer, một chuyên gia phân tích về Đông Nam châu Á của trường Đại học New South Wales thuộc Viện Quốc phòng Australia, nói rằng trong chỗ riêng tư, đa số các nhà lãnh đạo trong vùng hoan nghênh tin này.
Ông nói Hoa Kỳ được đặc biệt tán dương khi liên quan đến việc đối phó với Trung Quốc về những tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Ðông, các nước ASEAN, cần sự can dự của quân đội Hoa Kỳ.
Ông Thayer nói: “Họ đang từ từ cải thiện khả năng nhưng có cần có các cường quốc lớn để cân bằng lực lượng lẫn nhau. Do đó theo tôi, sự hiện diện của Hoa Kỳ cung cấp khí oxy, giúp họ thở, có một vai trò chính, khi biết rằng Trung Quốc phải tính tới sự kiện Hoa Kỳ có cam kết trong khu vực.”
Biển Ðông có tầm quan trọng sách lược to lớn đối với hàng hải thế giới và được cho là chứa các trữ lượng dầu khí khổng lồ.
Trung Quốc nhận chủ quyền toàn bộ vùng Biển Ðông và nói rằng bất cứ vụ tranh chấp nào đều phải được giải quyết chỉ trên cơ sở song phương mà thôi. Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong các vụ đòi chủ quyền, nhưng ủng hộ một đường lối đa phương để giải quyết các vụ tranh chấp dựa trên luật biển quốc tế và Quy ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Theo ông Thayer, trong số một trong 18 quốc gia dự hội nghị thượng đỉnh, chỉ có Miến Điện và Campuchia là không nêu ra những quan ngại về tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Ðông và gần như tất cả các nhà lãnh đạo Đông Nam châu Á để ủng hộ lập trường của Tổng thống Obama.
Ông Thayer nói: “Nhận định của Tòa Bạch Ốc về vấn đề này là cơ bản có đa số các nước tái khẳng định các đặc tính cốt lõi của ông Obama, là luật quốc tế, việc không sử dụng vũ lực, Quy ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, quyền tự do và an toàn đi lại trên biển.”
Ông Thayer nhìn thấy một mối liên hệ giữa sự tham gia quân sự của Hoa Kỳ và sự kiện các nước ASEAN ngày càng đoàn kết trong việc làm thế nào để giải quyết các tranh chấp lãnh hải trong khu vực.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á, ông David Carden, phủ nhận việc Hoa Kỳ tìm cách khẳng định một sự phô trương lực lượng để gây ảnh hưởng đối với ASEAN.
Ông Carden nói: “Tôi không cho rằng có lý do nào để phối hợp hai vấn đề đó, cho dù đó rất hấp dẫn đối với các nước khác khi cảm thấy Hoa Kỳ đang đưa ra lập trường của mình. Tôi không cho rằng sự thể là như thế.”
Ông Carden nói Washington chỉ đóng một vai trò hỗ trợ cho sự lãnh đạo cố hữu của ASEAN trong việc thương lượng một bộ quy ước hành xử với Trung Quốc.
Kế hoạch của Hoa Kỳ gửi thêm nhân viên quân sự đến Australia trong những năm sắp tới đã khơi ra những đáp ứng lẫn lợn trong giới lãnh đạo đông nam châu Á đang lo ngại về việc gia tăng khả năng đối đầu quân sự. Nhưng các chuyên gia nói các vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng biển Nam Trung Quốc (Việt Nam gọi là Biển Ðông) là một mối lo ngại còn to lớn hơn. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây.