Vào lúc cuộc khủng hoảng tiếp tục tại Ai Cập, các câu hỏi về việc liệu Hoa Kỳ có sử dụng ảnh hưởng tài chính ở nước này hay không cũng tiếp tục được nêu ra.
Theo các số liệu của chính phủ Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao và cơ quan viện trợ Mỹ, còn gọi tắt là USAID, cung cấp 1,5 tỷ đôla viện trợ cho Ai Cập hồi năm ngoái. Yêu cầu cho ngân sách năm 2011 cũng vào khoảng đó.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ P.J.Crowley nói với các ký giả tại Bộ Ngoại giao rằng Hoa Kỳ không muốn nhìn thấy một kết quả cụ thể nào ở Cairo, mà chỉ muốn thấy một tiến trình đem lại cho người dân Ai Cập khả năng quyết định chính phủ của riêng mình. Ông Crowley nói không có kế hoạch cắt đứt tài trợ cho Ai Cập.
Ông Crowley cho biết: “Chúng tôi tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ai Cập. Dựa trên những gì chúng tôi chứng kiến hôm nay, chúng tôi không dự trù tiến hành bất kỳ biện pháp tức thời nào. Nhưng như lời tuyên bố của phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs hôm thứ sáu tuần trước, trong khi tình hình diễn biến, lẽ đương nhiên Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duyệt xét lại viện trợ.”
Washington đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Ai Cập cho phép các cuộc biểu tình ôn hòa. Nhưng hơn 125 người đã thiệt mạng trong những vụ trấn át các cuộc biểu tình trong tuần lễ vừa qua. Ông Crowley cho biết hành động bạo lực như thế có thể tác hại tới viện trợ Hoa Kỳ và ông nói rằng sự tài trợ của Hoa Kỳ kèm theo những điều kiện.
Ông Crowley nói: “Nếu viện trợ được sử dụng một cách đi ngược lại với các luật pháp của chúng tôi, các chính sách của chúng tôi, và các giá trị của chúng tôi, thì như quý vị biết, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại nếu cần.”
Phần lớn viện trợ Hoa Kỳ cho Ai Cập là dành cho an ninh.
Ông Crowley nói tiếp: “Chúng tôi có dành viện trợ cho Ai Cập, và một phần viện trợ đó là dưới hình thức hỗ trợ an ninh, và chúng tôi không biện bạch gì về việc đó.”
Ông Crowley nói viện trợ của Hoa Kỳ cho Ai Cập đã đem lại lợi ích cho khu vực.
Ông Crowley nói thêm: “Quan hệ của chúng tôi là một mối quan hệ bền vững. Chắc chắn quan hệ giữa Ai Cập và Hoa Kỳ và sự hỗ trợ và chúng tôi cùng với các nước khác đã cung cấp đã là một lực lượng tạo sự ổn định trong khắp khu vực. Ai Cập từng là một nước ủng hộ mạnh mẽ cho công cuộc theo đuổi hòa bình ở Trung Đông.”
Ai Cập và Israel đã ký một hòa ước năm 1979 - là hòa ước đầu tiên mà Israel ký với một quốc gia Ả Rập - và Ai Cập đã đóng một vai trò trong việc điều giải các nỗ lực hòa bình ở Trung Đông. Nhưng chuyên gia phân tích Tawfik Hamid thuộc Viện Khảo cứu Chính sách Potomac có trụ sở ở Washington cho rằng các thái độ của Ai Cập trong tương lai tùy thuộc vào cách thức Hoa Kỳ ứng phó với Tổng thống Hosni Mubarak. Ông Hamid nói nhân dân Ai Cập sẽ tiếp tục ủng hộ các chính sách của Hoa Kỳ tại Trung Đông với một điều kiện.
Ông Hamid nói: “Khi họ biết rằng nước Mỹ đứng sau lưng nhân dân và quân đội chống lại Mubarak, sự kiện này có thể làm cho nước Mỹ trở thành quốc gia đáng yêu nhất dưới con mắt người dân Ai Cập. Nhưng nếu nước Mỹ lại phụ lòng họ về Mubarak, thì tôi không cho rằng vấn đề sẽ chấm dứt và đất nước này sẽ bị mất đi.”
Quân đội Ai Cập đã nhất quyết sẽ không sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình. Nhưng các chuyên gia cho rằng chưa rõ liệu quân đội có chống lại hay thậm chí đẩy ông Mubarak ra khỏi chức vụ hay không.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Crowley cho biết một vị cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ai Cập, là ông Frank Wisner, hiện đang có mặt tại Cairo, không phải với tư cách một đặc sứ chính thức nhưng là với tư cách công dân. Nhưng ông Crowley nói thêm rằng ông Wisner có quan hệ lâu dài với các nhà lãnh đạo Ai Cập và ở trong tư thế có thể nhắc nhở chính sách của Hoa Kỳ và tường trình lại cho các giới chức ở Washington.