Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Robert Gibbs đã nhiều lần được yêu cầu giải thích về những gì Tòa Bạch Ốc trông đợi nhìn thấy qua các hành động của chính phủ Ai Cập và liệu Tổng thống Obama có tin rằng Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập là người sẽ thực hiện các cải cách mà dân chúng Ai Cập sẽ chấp nhận là chính đáng hay không.
Ông Gibbs đã đề cập tới nhận định Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra hôm Chủ nhật, kêu gọi một sự chuyển đổi trong trật tự. Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Obama sau đó nói với các nhà lãnh đạo thế giới, qua các cuộc điện đàm, rằng Ai Cập cần chuyển sang một chính phủ đáp ứng được nguyện vọng của dân chúng.
Phát ngôn viên của Tổng thống Obama nói rằng chỉ có nhân dân Ai Cập mới có thể quyết định được tương lai chính trị của nước họ ra sao.
Ông Gibbs nói: “Đó không phải là chuyện mà đất nước chúng ta hay chính phủ của chúng ta quyết định. Tôi không nghĩ là những người muốn có tự do hơn lại đi tìm người khác giúp họ lựa chọn xem phải thay đổi những gì và thay đổi ra sao.”
Ông Gibbs từ chối không trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Obama có kêu gọi thẳng Tổng thống Mubarak từ chức hay không. Ông nói thêm rằng cần phải có những cuộc thương thảo có ý nghĩa với nhiều thành phần khác nhau của nhân dân Ai Cập, trong đó có các tổ chức đối lập.
Ông Gibbs cũng được hỏi về lập trường của Hoa Kỳ về việc Tổ chức Huynh đệ hồi giáo sẽ có thể dự phần vào bất cứ một cơ cấu chính trị nào mới hay không; ông nói rằng Hoa Kỳ đã không tiếp xúc với tổ chức này.
Ông Gibbs cho biết: “Cũng như ở khắp nơi trên thế giới, chúng tôi có các tiêu chuẩn cho việc tiếp xúc như thế – đó là tuân thủ pháp luật, tuân thủ nguyên tắc bất bạo động và thiện chí tham gia vào một tiến trình dân chủ, nhưng không dùng tiến trình dân chủ đó chỉ để đưa mình vào tư thế có quyền lực.”
Khi được hỏi về việc thông tấn xã AP trích thuật lời một giới chức chính quyền không nêu tên nói rằng Hoa Kỳ đang hối thúc ông Mubarack xúc tiến những cải cách chính yếu, trong đó có việc mở các cuộc bầu cử tổng thống khả tín vào tháng 9, ông Gibbs nói rằng những thông điệp công khai hay riêng tư dành cho Tổng thống Mubarak đều giống nhau.
Về kế hoạch tổ chức cuộc diễu hành của 1 triệu người hôm nay tại thủ đô Cairo để yêu cầu Tổng thống Mubarak từ chức, ông Gibbs đề cập tới các cuộc tiếp xúc đang được xúc tiến giữa Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và bộ ngoại giao Ai Cập và giữa Hoa Kỳ và các giới chức quân đội Ai Cập, và nói rằng Hoa Kỳ tin là Ai Cập biết rõ sự cần thiết phải tránh bạo động.
Ngoài các báo cáo của ban cố vấn an ninh quốc gia, Tổng thống Obama đã nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia về Trung Đông và các lãnh vực khác, một số góp ý đã chuyển tới Tòa bạch Ốc ngày hôm qua.
Phó Tổng thống Joe Biden đã tham gia vào các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo thế giới. Hôm qua, ông Biden đã gọi điện thoại cho Quốc vương Hamad bin Isa al-Khalifa của Bahrain để thảo luận về tình hình Ai Cập.
Hiện chưa rõ qui mô cuộc tiếp xúc của ông Obama với cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, người đã chứng giám việc ký kết các thỏa hiệp hòa bình giữa Ai cập và Israel năm 1978.
Ông Carter mô tả các diễn biến ở Ai Cập là tình trạng trầm trọng nhất tại Trung Ðông kể từ khi ông mãn nhiệm, và nói rằng Tổng thống Mubarak sẽ phải ra đi.
Tòa Bạch Ốc cho hay cuộc khủng hoảng tại Ai Cập không gây gián đoạn cho sự chú tâm của ông Obama dành cho các vấn đề quốc nội và nền kinh tế. Tổng thống dự trù đi Pennsylavnia vào ngày mai trong khuôn khổ các nỗ lực quảng bá đầu tư mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi Tổng thống Barack Obama và các giới chức cấp cao của Hoa Kỳ theo dõi tình hình ở Ai Cập, phát ngôn viên của tổng thống đã nhấn mạnh những điều mà Tổng thống nói cần phải diễn ra tại đó. Theo tường trình của thông tín viên đài VOA Dan Robinson, hôm qua nhà lãnh đạo Mỹ đã triệu tập các chuyên gia hàng đầu về Trung Đông để cố vấn cho ông về những bước kế tiếp.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1