Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khen ngợi rằng Việt Nam có đủ khả năng để khôi phục đà phát triển đã bị mất đi do COVID-19 và quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng, nhưng lưu ý rằng nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới, nhất là biến đổi khí hậu.
Tại lễ công bố Báo cáo Phát triển Con người (HDR) toàn cầu 2021/22 hôm 9/9 tại Hà Nội, Giáo sư Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, phát biểu: “Việt Nam có đủ khả năng để khôi phục đà phát triển đã bị mất đi do Covid-19 và quản lý những bất ổn liên quan đến các cuộc khủng hoảng phân tầng được mô tả trong HDR”.
“Việc triển khai nhanh chóng và phổ cập vaccine đã giúp đưa cuộc sống trở lại bình thường và giảm áp lực cho các bệnh viện, trạm y tế và trường học. Chính sách linh hoạt và thích ứng của Chính phủ đã giúp các ngành như du lịch và vận tải có thể phục hồi ấn tượng vào năm 2022”, trang tin của UNDP dẫn lời ông Pincus cho biết trong một bản tin.
UNDP đánh giá rằng không giống như hầu hết các nước đang phát triển khác, Việt Nam đã cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm khó khăn nhất của đại dịch.
“Mặc dù tốc độ tăng trưởng trung bình chậm lại, và các nhóm và cá nhân dễ bị tổn thương đã có những giai đoạn rất khó khăn, nhưng Viêt Nam đã tránh được sự đảo ngược tiến độ phát triển con người,” thông cáo của UNDP viết.
Theo báo cáo của tổ chức này, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2021 là 0,703, về cơ bản không thay đổi so với năm 2019 (0,704) và Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.
Báo cáo ghi nhận Việt Nam đã đạt được tiến bộ ổn định trong cả ba khía cạnh của HDI (tổng thu nhập quốc dân trên đầu người, tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình) kể từ những năm 1990. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng HDI của Việt Nam đã chậm lại trong thập kỷ qua.
UNDP lưu ý rằng Việt Nam sẽ có nhiều thách thức trong thời gian tới. “Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất, làm di dời người dân và sinh kế của họ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ phát triển con người ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu”, bản tin của UNDP viết.
Thách thức tiếp theo nữa là sự phát triển kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào xu hướng tăng trưởng ở phần còn lại của thế giới. Chiến tranh ở châu Âu, giá cả tăng cao và sự gián đoạn đối với các mô hình thương mại toàn cầu là những nguyên nhân quan trọng gây ra sự không chắc chắn. UNDP khuyến nghị Việt Nam tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu để nâng cao khả năng chống chịu của quốc gia và năng lực điều chỉnh nhanh chóng và linh hoạt trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.
UNDP khuyến cáo rằng hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam cần được hiện đại hóa để giúp mọi người dân có thể ứng phó được với rủi ro kinh tế và thiên tai và duy trì mức sống ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất. Kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 đã cho thấy có những điểm yếu trong hệ thống trợ giúp xã hội và bảo trợ xã hội của nước này.
Diễn đàn