Ủy Hội Kinh Tế Liên Hiệp Quốc về Châu Á-Thái Bình Dương, UNESCAP, nói xuất khẩu, về phương diện lịch sử, vốn là yếu tố từ trước đến nay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong vùng, đang chậm lại vì cuộc khủng hoảng nợ nần của các nước trong khối sử dụng đồng Euro và những bất trắc tại Hoa Kỳ.
Ủy hội này đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng của vùng Châu Á Thái Bình Dương xuống 6,5% trong năm 2012, so với năm trước là 7%.
Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc kiêm Giám đốc điều hành UNESCAP, bà Noeleen Heyzer phát biểu rằng với tình hình tăng trưởng chậm, cần có những lực đẩy mới trước tình trạng bất trắc ngày càng gia tăng trong môi trường kinh tế toàn cầu. Bà nói:
"Chúng ta phải tìm những lực đẩy mới vì khuôn mẫu phát triển cũ không còn hoạt động hữu hiệu nữa. Vì thế, trên phương diện một mô hình mới, chúng ta phải giải quyết những vấn đề giảm nghèo, tình trạng ngày càng gia tăng sự cách biệt về kinh tế trong vùng, để xoay ngược tình thế, biến đổi chúng thành những lực đẩy mới cho tăng trưởng.”
Lên tiếng tại buổi khai mạc khóa họp bộ trưởng các nước UNESCAP tại Bangkok, bà Heyzer nói với các phái đoàn từ 62 quốc gia rằng tăng trưởng trong vùng Châu Á Thái Bình Dương trong những thập niên mới đây đã phải trả giá bằng sự tàn phá hệ sinh thái và tình trạng bất bình đẳng xã hội ngày một tăng.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nói với ủy hội rằng các vấn đề này được đưa ra đúng lúc, trước những khó khăn toàn cầu hiện nay. Ngoại trưởng Thái Lan nói:
“Chúng tôi tin là lực đẩy cho điều kiện sống còn và phồn thịnh nằm trong sự hợp tác chặt chẽ của chúng ta – mỗi nước trong chúng ta có thể đóng góp vào sự ổn định và phồn thịnh trong vùng bằng cách hình thành sự hội nhập kinh tế trong vùng chặt chẽ hơn. Sự kiện này sẽ đem lại tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội to lớn cho khu vực của chúng ta.”
10 nước thành viên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á sẽ tiến tới một thị trường duy nhất vào năm 2015, mở cửa biên giới cho thương mại và nhân dân tới mức chưa từng có trước đây.
Đại Sứ Lưu Động của Bộ Ngoại Giao Singapore, ông Tommy Koh , nói hội nhập kinh tế sẽ thúc đẩy đà tạo ra thêm công ăn việc làm cũng như sự thịnh vượng của người dân.
Ông Koh nói, thị trường duy nhất của ASEAN sẽ giúp ứng phó trước những thử thách về tình trạng gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ trong vùng:
“Thí dụ 10 nền kinh tế của ASEAN không thể cạnh tranh nổi với Trung Quốc hay Ấn Độ với tư cách cá nhân, nhưng khi hội nhập thành một khối, chúng ta có 600 triệu công dân nối kết với nhau, với một GDP rất đáng kể là 1,8 ngàn triệu đô la – chúng ta sẽ ở vị trí tốt hơn để cạnh tranh với Ấn Độ và Trung Quốc.”
Nhưng ông Koh nói những lo ngại vẫn còn tồn tại vì ảnh hưởng của tình trạng suy thoái của khối sử dụng đồng Euro và đòi những nhà soạn thảo kế hoạch Châu Âu mau chóng giải quyết những vấn đề khó khăn vì mối đe dọa ngày càng gia tăng của một “ảnh hưởng gây nản lòng cho nền kinh tế thế giới.” Ông nói tình trạng suy thoái của khối sử dụng đồng euro có thể cắt giảm tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Châu Á tới 2%.
Ủy Hội Kinh Tế Liên Hiệp Quốc về Châu Á-Thái Bình Dương nói khu vực này cần thúc đẩy xuôi thuận thương mại cấp vùng và những mối quan hệ doanh nghiệp, cũng như là hợp tác tài chánh và một đáp ứng có phối hợp ở cấp vùng để đối phó với những nguy cơ do những đe dọa về môi trường và xã hội đề ra.
Theo các giới chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc, việc hội nhập mau chóng các nền kinh tế trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương là điều cần thiết để giúp vượt qua những bất ổn kinh tế toàn cầu và duy trì tỷ lệ tăng trưởng của Châu Á. Một ủy ban của Liên Hiệp Quốc nói khu vực này cần phải bớt lệ thuộc vào các thị trường xuất khẩu để phát triển kinh tế.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!