Trong cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng của Mỹ vào tuần tới, các ứng viên hy vọng cử tri sẽ đi bỏ phiếu đông đảo đang tìm cách lôi kéo các cử tri còn lừng khừng trên ứng dụng WeChat vốn rất thông dụng với người gốc Trung Quốc.
Vào lúc nước Mỹ đang hướng tới cuộc bầu cử mà cả Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều gọi là cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng nhất trong nhiều thập niên, số cử tri đi bầu sẽ rất quan trọng.
Vốn chỉ chiếm có 6% dân số Mỹ, người Mỹ gốc Á chưa phải là một nhóm cử tri quan trọng ở bình diện quốc gia, nhưng họ sẽ làm nên sự khác biệt trong các cuộc đua ở địa phương.
Một trong những cuộc đua đó là ở miền Nam California, ở địa hạt bầu cử số 39. Địa hạt này bao gồm một phần của các hạt Los Angeles, Orange và San Bernadino. Nơi đây có 30% dân số là người gốc Á.
Ghế dân biểu ở đây đang mở ra cho ứng cử viên mới do dân biểu lâu năm của Đảng Cộng hòa, ông Ed Royce, sẽ nghỉ hưu. Ứng viên Cộng hòa là Young Kim, người Mỹ gốc Hàn từng làm việc cho Royce và làm việc cho cơ quan lập pháp tiểu bang. Đại diện cho Đảng Dân chủ là Gil Cisneros, một cựu lính hải quân hoạt động từ thiện sau khi trúng số 266 triệu đô la.
Từ lâu được xem là lãnh địa của Đảng Cộng hòa, địa hạt này đã bầu cho bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 trong khi các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy hai ứng viên đang ngang ngửa nhau với tỷ lệ dẫn chỉ 1%.
Các cử tri gốc Á có truyền thống bầu cho các ứng viên gốc Á. Do đó, để bù đắp cho điểm yếu về sắc tộc của mình, ứng viên Cisneros thường xuyên đi vận động chung với dân biểu gốc Trung Quốc Judy Chu của địa hạt 27 của California.
Cả hai ứng viên đều rất nỗ lực để thúc đẩy cử tri gốc Á đi bầu. Một cách làm của họ là thông qua WeChat, mạng xã hội bằng Hoa ngữ.
Ông Allen Chen, phó giám đốc chính trị và giám đốc tiếp cận cử tri gốc Á và gốc đảo Thái Bình Dương của chiến dịch vận động của ông Cisneros cho biết có hai nhân viện vận động tham gia vào các nhóm WeChat thay mặt cho ông Cisneros. “Thay vì buộc người Mỹ gốc Hoa thích nghi với các diễn đàn nhắn tin mà chúng tôi sử dụng trước đây, lần này chúng tôi tiếp cân với họ thông qua kênh của họ,” ông nói.
Thêm vào đó, ông Chen cho biết ban vận động đã tài trợ cho các bài đăng trên WeChat thông qua một trang blog do World Journal, một tờ báo Hoa ngữ được đọc rộng rãi nhắm vào các di dân gốc Trung Quốc ở Bắc Mỹ.
Ông Patrick Mocete, quản lý chiến dịch vận động của bà Young Kim, cho biết ban vận động của bà Kim cũng rất tích cực trên diễn đàn này với các nhân viên nói tiếng Hoa và các tình nguyên viên cổ động cho ứng viên Kim, người đang muốn trở thành phụ nữ gốc Hà đầu tiên vào Quốc hội Mỹ, trong các nhóm trò chuyện.
“Một phần ba dân số địa hạt là người gốc Á và phần đông trong số đó là người gốc Hoa,” Mocete nói, “và Young có lý khi muốn chiến dịch vận động sử dụng diễn đàn này.”
Chiến dịch vận động của ông Cisneros được sự hỗ trợ của ủy ban hành động chính trị do các tình nguyện viên tổ chức có tên là Người Mỹ gốc Á chống lại chủ nghĩa Trump (AAAT) với hy vọng tiếp cận các cử tri gốc Hoa, Hàn và Việt với khả năng tiếng Anh hạn chế bằng cách đăng các biểu ngữ quảng cáo bằng ngôn ngữ của họ trên các kênh truyền thông của họ không chỉ ở địa hạt 39 mà còn ở hai địa hạt khác ở California nữa.
Ở mỗi địa hạt này, người Mỹ gốc Á chiếm một bộ phận đáng kể trong dân số. “Mỗi lá phiếu của họ đều quan trọng, và thắng hay thua những địa hạt này có thể được quyết định bởi vài trăm phiếu,” Vincent Pan, một người tổ chức của AAAT nói.
Một tổ chức khác, Câu lạc bộ Dân chủ người Mỹ gốc Á vốn bao gồm chủ yếu là người gốc Hoa do Ling Luo, một nữ doanh nhân gốc Hoa ở Texas, thành lập vào năm 2016 để điều phối các nỗ lực của các cử trị Dân chủ gốc Hoa.
Monica Chen, người tổ chức nỗ lục của AADC ở California, cho biết AADC đang phối hợp với chiến dịch vận động của Cisneros. “Ban vận động chọn ra khoảng 10.000 cử tri nói tiếng Hoa và chúng tôi tìm cách tiếp cận họ thông qua điện thoại và tin nhắn.”
AADC tiếp tục đăng tải thông điệp trên WeChat, nhưng họ cũng tổ chức nhiều hoạt động bên ngoài hơn: tổ chức các cuộc tập hợp, gây quỹ cho các ứng viên Dân chủ và gọi điện để thúc đẩy cử tri gốc Hoa đi bầu.
“Chúng tôi đang cố gắng đẩy mọi người ra khỏi WeChat,” Luo nói. “Chúng tôi không muốn những chiến lược của mình bị giám sát hay bị đánh cắp bởi các ủng hộ viên của ông Trump đang giấu mình trong nhóm của chúng tôi.”
Người Mỹ gốc Á là nhóm thiểu số tăng trưởng nhanh nhất ở Mỹ, các số liệu điều tra dân số cho thấy. Tuy nhiên quyền lực chính trị tiềm năng của cộng đồng này đã bị giảm đáng kể do xu hướng ít đi bầu cử của họ.
Hồi năm 2016, 49% người Mỹ gốc Á đã đi bỏ phiếu, theo số liệu của AAPI Data, một tổ chức thu thập và phân tích các số liệu thống kê về người Mỹ gốc Á và gốc đảo quốc Thái Bình Dương. Để so sáng, 65,3% người da trắng không phải gốc Latin và 59,6% cử tri Mỹ gốc Phi đã đi bầu.
Tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp dẫn đến vòng lẩn quẩn của việc người gốc Á không được đại diện đầy đủ trong cơ quan quyền lực Mỹ, Janelle Wong, giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học Maryland, nói. “Các đảng chính trị tin rằng người gốc Hoa không tham gia đi bầu cao và họ không vận động họ… ngay cả khi hoàn toàn không đúng khi nói rằng người Hoa quan tâm đến những thứ khác hơn là chính trị.”
Theo AAPI Data, có 27 quận hạt bầu cử trên khắp nước Mỹ mà người gốc Á chiếm hơn 8% dân số. Trong một cuộc đua sít sao, số phiếu đó là đủ để thay đổi kết quả bầu cử.
Tuy nhiên cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không có nỗ lực mang tính hệ thống để can dự trực tiếp với người Mỹ gốc Á. Việc thiếu sự tiếp cận này đã dẫn đến hậu quả đối với cả công đồng gốc Á và bản thân các đảng phái. Điều này có nghĩa là các vấn đề của người Mỹ gốc Á hay ý kiến của họ không được các nhà lập pháp ưu tiên.
“Đó có thể là phần thưởng cho bất kỳ đảng nào trong hai đảng bởi vì có một cồng đồng người gốc Hoa đông đảo ở Mỹ vốn chưa theo đảng nào trong hai đảng chính,” Wong cho biết.
(Theo South China Morning Post)