Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa một lần nữa lại nhắc tới Việt Nam trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng với đối thủ Đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Khi nói về báo cáo việc làm ở Mỹ mới công bố mà tỷ phú bất động sản coi là “tệ hại”, ông Donald Trump cho rằng Hoa Kỳ đang đánh mất dần các doanh nghiệp.
Ông nói: “Tuần trước, như mọi người biết, cuối tuần trước, họ công bố một bản phúc trình về việc làm thiếu sức sống. Một bản báo cáo việc làm tệ hại”.
Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa nói thêm: “Nói một cách tương đối, chúng ta không sản xuất nữa. Hàng hóa của chúng ta đổ vào từ Trung Quốc, đổ vào từ Việt Nam, đổ vào từ khắp nơi trên thế giới”.
Nói một cách tương đối, chúng ta không sản xuất nữa. Hàng hóa của chúng ta đổ vào từ Trung Quốc, đổ vào từ Việt Nam, đổ vào từ khắp nơi trên thế giới.Ứng viên Donald Trump nói.
Reuters dẫn lời một phúc trình về việc làm công bố hôm 12/10 cho biết rằng các việc làm mới mở ra đã rơi xuống mức thấp nhất trong 8 tháng trong tháng Tám, và rằng việc tuyển dụng ít thay đổi.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump nhắc tới Việt Nam trong chiến dịch tranh cử mà nhiều nhà quan sát nói là đầy tranh cãi.
Hồi tháng Hai, trong một cuộc vận động tranh cử, ông Trump từng cáo buộc Việt Nam cũng như một số các nước châu Á khác “đánh cắp” việc làm tại Mỹ.
Ba tháng sau đó, ứng cử viên này nói rằng ông tức giận với sự lãnh đạo “bất tài” và “thiếu năng lực” của Mỹ chứ không phải với Việt Nam, Trung Quốc hay Ấn Độ vì “đã lấy đi rất nhiều thứ của chúng ta”.
Mới nhất, hồi tháng Sáu, ứng viên tổng thống trực ngôn của Mỹ một lần nữa nêu đích danh Việt Nam, gọi đây là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.
Trong cuộc tranh luận cuối cùng hôm 19/10 mà hai ứng viên thậm chí không bắt tay nhau, tỷ phú Donald Trump cũng nhắc tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một trong 12 nước ký kết.
"Rút Hoa Kỳ khỏi TPP"
Ông Trump nói rằng bà Clinton từng hậu thuẫn TPP, coi đó là “tiêu chuẩn vàng”, và nhấn mạnh rằng ông phản đối thỏa thuận thương mại tự do của các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương này.
Đầu tiên, tôi muốn nói rằng khi tôi xem bản thỏa thuận cuối cùng về TPP, tôi nói tôi chống lại nó. Nó không đáp ứng cuộc trắc nghiệm của tôi. Tôi đã có cùng cuộc trắc nghiệm – nó có tạo công ăn việc làm, nâng thu nhập và tăng cường an ninh quốc gia của chúng ta không? Giờ tôi chống lại nó. Tôi sẽ chống lại nó. Và tôi sẽ chống lại nó khi làm tổng thống.Ứng viên Hillary Clinton nói.
Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ đáp lại: “Đầu tiên, tôi muốn nói rằng khi tôi xem bản thỏa thuận cuối cùng về TPP, tôi nói tôi chống lại nó. Nó không đáp ứng cuộc trắc nghiệm của tôi. Tôi đã có cùng cuộc trắc nghiệm – nó có tạo công ăn việc làm, nâng thu nhập và tăng cường an ninh quốc gia của chúng ta không? Giờ tôi chống lại nó. Tôi sẽ chống lại nó. Và tôi sẽ chống lại nó khi làm tổng thống”.
Trong hai cuộc tranh luận trước, ông Trump cũng từng nhắc tới TPP, và hồi tháng Sáu từng tuyên bố rằng nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định này.
Ứng viên này nói tại tiểu bang Pennsylvania rằng TPP sẽ “buộc các nhân công Hoa Kỳ phải trực tiếp cạnh tranh với các công nhân từ Việt Nam, một trong các quốc gia trả lương thấp nhất trên thế giới”.
Doanh nhân Trump nói thêm rằng “không có cách nào để sửa lại TPP. Chúng ta cần các thỏa thuận thương mại song phương”.
Trước những tuyên bố trái chiều về TPP trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tháng trước, các nguồn tin cho biết rằng Quốc hội Việt Nam hoãn thảo luận và thông qua hiệp định thương mại này cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ.
Trong khi ông Trump nhiều lần đích danh Việt Nam trong những lời chỉ trích của mình, theo giới quan sát, một số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam nuôi hy vọng ứng viên Đảng Cộng hòa của Mỹ sẽ giúp “dẹp mộng bá quyền của Trung Quốc”.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Đại học George Mason ở Hoa Kỳ từng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ông Trump nhận được sự ủng hộ của một số người Việt chính vì ông từng mạnh mẽ “chống” Bắc Kinh.