Đại tá Tom Stevenson, Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ, đến thăm và thắp hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết trên trang Facebook chính thức hôm 2/2.
Đại sứ quán Mỹ tường thuật rằng về phía Việt Nam có Thiếu tướng Lê Văn Cầu, Trưởng Ban Đối ngoại, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, cũng có mặt cùng Đại tá Stevenson và các đại diện của Văn phòng Tuỳ viên Quốc phòng Hoa Kỳ.
Đại diện hai nước Mỹ và Việt Nam đã tưởng niệm 278 người dân bị thiệt mạng vào đêm 26/12/1972, cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ cho hay.
“Những thiệt hại sinh mạng của dân thường là lời nhắc nhở lịch sử về những mất mát bi thương do xung đột gây ra khi Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hòa giải và mở rộng các nỗ lực chung nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và hòa bình”, Đại sứ quán Mỹ bày tỏ quan điểm về hoạt động chung vừa diễn ra.
Theo quan sát của VOA, sau 4 tiếng hiện diện trên Facebook, bài đăng của cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ nhận được hơn 1.030 phản ứng “yêu”, “thích”, và gần 60 phản ứng “tức giận”.
Ngoài ra, bài đăng cũng nhận được gần 500 lời bình luận từ công chúng Việt Nam. Trong số đó, chiếm áp đảo là các ý kiến không đồng tình với việc Đại sứ quán Mỹ dùng từ “xung đột” để nói về giai đoạn xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam những năm 1965-1973.
Nhìn chung, các ý kiến đó cho rằng Mỹ đã tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, sử dụng từ “xung đột” là đánh tráo khái niệm.
Những người đưa ra các ý kiến như nêu trên cũng nói thêm rằng hai nước Việt, Mỹ có thể khép lại quá khứ hướng tới tương lai, nhưng phía Mỹ không nên bóp méo sự thật.
Bên cạnh đông đảo ý kiến phê phán cách dùng từ của Đại sứ quán Mỹ, có một số lời bình luận khác tỏ ý rằng người Việt đã khép lại một trang lịch sử đau thương do phải chiến đấu chống xâm lược, giờ đây trân trọng tình hữu nghị với Mỹ và hai nước cùng nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Trong cuộc chiến mà phía Mỹ thường gọi là Chiến tranh Việt Nam (Vietnam War), kéo dài từ đầu thập niên 1960 đến 30/4/1975, Mỹ là đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa, còn gọi là Nam Việt Nam, để chống lại Bắc Việt theo chủ nghĩa Cộng sản, khi đó có tên chính thức là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đầu năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Nam Việt Nam theo Hiệp định Hòa bình Paris. Nhưng một tháng trước đó, Mỹ điều máy bay ném bom Hà Nội, Hải Phòng và một số địa điểm khác ở Bắc Việt Nam từ ngày 18 đến 29/12/1972. Phía Bắc Việt nói các đợt ném bom này giết chết tới 1.600 dân thường, bao gồm các nạn nhân ở phố Khâm Thiên, Hà Nội.
Sau khi Mỹ rút quân, đến cuối tháng 4/1975, quân đội Bắc Việt giành chiến thắng, toàn bộ đất nước Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo của chính quyền Cộng sản.
Sau 20 năm kể từ khi cuộc chiến kết thúc, hai nước Mỹ, Việt bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995.
Hồi cuối tháng 7/2013, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam đến Mỹ, hai nước ra tuyên bố “xác lập quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai bên.
Từ hai kẻ thù trong chiến tranh, đến nay quan hệ hai nước đã phát triển sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực gồm ngoại giao, kinh tế, quân sự, giáo dục, nhân đạo, giao lưu nhân dân…
Tính chung trong 20 năm trở lại đây, các con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy Mỹ cung cấp hơn 1,8 tỷ đô la để hỗ trợ cho Việt Nam trong các vấn đề nhân đạo (bao gồm cả khắc phục hậu quả chiến tranh), y tế và phát triển.
Trong năm 2020, hai nước Mỹ và Việt Nam có nhiều hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Các quan chức cấp cao hai nước đều nhất trí đánh giá rằng sau một phần tư thế kỷ, quan hệ song phương đã đạt được những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.