Đường dẫn truy cập

Mỹ giúp Việt Nam hoàn tất giai đoạn 1 làm sạch dioxin ở ‘điểm nóng’ lớn nhất


Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh tại buổi lễ công bố kết quả làm sạch dioxin tại sân bay Biên Hoà và các khu vực xung quanh.
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh tại buổi lễ công bố kết quả làm sạch dioxin tại sân bay Biên Hoà và các khu vực xung quanh.

Hoa Kỳ và Việt Nam vừa công bố việc hoàn tất giai đoạn 1 của dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoà và khu vực xung quanh, điểm nóng ô nhiễm lớn nhất từ hậu quả chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel Kritenbrink và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh công bố kết quả của một phần trong cam kết hướng tới giải quyết các di sản chiến tranh giữa hai cựu thù tại một buổi lễ được tổ chức ở Biên Hoà, Đồng Nai, hôm 20/1, theo thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

Thông báo này cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện, dự án đã xử lý được 1.134 mét khối trầm tích bị nhiễm dioxin tại một hồ trong khu vực công viên công cộng do Thành phố Biên Hoà quản lý.

Hồ nằm giữa trung tâm thành phố và bên cạnh sân bay Biên Hoà nằm trong dự án 500.000 mét khối đất nhiễm dioxin cần xử lý giai đoạn đầu, được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) xử lý từ tháng 12/2019, theo VnExpress.

Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoa, từng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, được khởi động vào đầu tháng 12/2019 với cam kết ban đầu là 300 triệu USD từ chính phủ Mỹ để thực hiện trong 10 năm nhằm khôi phục môi trường cho sân bay và khu vực lân cận.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Hoa Kỳ tuyên bố hỗ trợ Việt Nam thêm 20 triệu USD để xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hoà.

Tại sân bay Biên Hòa, khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý lớn gấp nhiều lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng, theo đánh giá được USAID đưa ra năm 2016. Sân bay này được giới chuyên gia đánh giá là nơi nhiễm dioxin “nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới”.

Bộ trưởng Việt Nam: Rừng mất do Mỹ rải chất độc hoá học

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được Tuổi Trẻ trích lời nói tại buổi lễ hôm 20/1 rằng “dù còn nhiều việc phải làm” nhưng kết quả ban đầu này của dự án “khẳng định quan hệ hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó Mỹ có trách nhiệm đầy đủ và làm cho đến cùng trong khắc phục hẩu quả sau chiến tranh nói chung, làm sạch ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hoà nói riêng.”

Tong những tuần tới, sau khi phục hồi cỏ và cây xanh trong công viên, USAID và các đối tác sẽ bàn giao lại đất cho thành phố Biên Hoà, theo thông báo của Tổng lãnh sự Mỹ ở TPHCM trên trang Facebook chính thức.

Trước đó vào năm 2018, dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng đã được hoàn thành sau 6 năm thực hiện với tổng giá trị 110 triệu USD.

Theo USAID, là một trong những trụ cột quan trọng trong Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, hai nước tiếp tục hợp tác thực hiện sứ mệnh nhân đạo là kiểm kê quân nhân mất tích trong chiến tranh và khắc phục các vấn đề di sản chiến tranh, trong đó có loại bỏ vật liệu chưa nổ, hỗ trợ người khuyết tật và xử lý ô nhiễm dioxin.

VOA Express

XS
SM
MD
LG