Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chuyến đi thăm của Thủ tướng Trung Quốc là một bước quan trọng trong quan hệ đang phát triển giữa Trung Quốc và Thổ nhĩ kỳ.
Ông Erdogan nói: “Chúng tôi đề nghị nâng kim ngạch thương mại song phương lên tới 50 tỉ đôla trước năm 2015. Và trong giai đoạn 2, vào năm 2020, nhắm chỉ tiêu đưa kim ngạch thương mại lên tới 100 tỉ đôla. Chúng tôi đã đồng ý với vị tương nhiệm Trung Quốc sẽ cố gắng đạt mục tiêu đó.”
Thủ tướng Trung Quốc Ôn gia bảo mô tả thỏa thuận ấy như một “quan hệ đối tác chiến lược” mới, ông Ôn gia bảo nói ông công nhận “quyền lực và ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong cộng đồng thế giới và khu vực”.
Một trong các thỏa thuận vừa ký kết sẽ mở đường cho một dự án chung để xây dựng một tuyến xe lửa dài 4.500 km ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới nay, các công ty Trung Quốc đã tham gia công trình xây cất hệ thống đường rầy cho 2 tuyến xe lửa cao tốc. Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc còn tham gia một số dự án xây ống dẫn dầu từ Iran.
Ông Erdogan cho hay hai nước còn đồng ý giao dịch với nhau bằng đơn vị tiền tệ của hai bên, tức là dùng đồng nguyên và đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Erdogan thì đó là bước quan trọng nhất sau các bước tương tự với Nga và Iran.
Tuy nhiên giới phân tích nói rằng vấn đề thương mại không phải là động cơ duy nhất khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quan hệ giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ từng có lúc căng thẳng, phần lớn vì lối tiếp cận của Bắc Kinh đối với tình trạng bất ổn ở Tân Cương, quê hương của nhóm thiểu số Uighur theo Hồi giáo. Một số nhà phân tích nói rằng Trung Quốc tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng một vai trò trong việc giúp giải quyết các căng thẳng đó.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc phải đương đầu với những bất ổn nghiêm trọng từ phía người Uighur, nhóm thiểu số này đã bị các giới thẩm quyền Trung Quốc đàn áp một cách bạo động.
Sự kiện đó đã khiến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Trung Quốc trở nên căng thẳng, sau một cuộc trao đổi ngoại giao gay gắt. Lúc đó, Thủ Tướng Thổ nhĩ kỳ tố cáo Trung Quốc là đã có những hành động tàn bạo. Phản ứng của Bắc Kinh là yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút lại lời tố cáo.
Nhà bình luận chính trị Murat Yetkin nói rằng trong khi thương mại là nền tảng của các quan hệ đang được đào sâu giữa hai nước, song dường như mối quan hệ này đã chuyển sang lĩnh vực ngoại giao.
Ông Yetkin nhận định: “Ngay trước chuyến công du, ở Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra một cuộc tập trận chung có sự tham dự của các phản lực cơ Trung Quốc, bay qua không phận Pakistan và Iran. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một lực lượng không quân Trung Quốc tập trận chung với một nước NATO. Thế cho nên các quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Trung Quốc đang ngày càng công khai hơn.”
Doanh gia Omer Bollat, cựu chủ tịch của Musiad, Liên đoàn Doanh Thương Thổ Nhĩ Kỳ, nói quan hệ với Trung Quốc là một phần nằm trong chính sách rộng lớn hơn của Ankara nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Châu Âu.
Ông nói: “Dưới chính quyền hiện nay, nền kinh tế Thổ nhĩ kỳ đang mở rộng đến các thị trường Âu-Á, vùng Caucase Nga, vùng Balkans, các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông, các nước Châu Phi, và đặc biệt là các nước Bắc Phi. Nền kinh tế Thổ nhĩ kỳ đang đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ, cũng như các thị trường để không phải lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Châu Âu.”
Cố vấn về chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Gokhan Ceinsayar nói trong khi các nhà lãnh đạo tiền nhiệm tại Thổ nhĩ kỳ tìm cách phát triển các quan hệ với Trung Á và Trung Quốc, các nỗ lực ấy đã thất bại do sự yếu kém của nền kinh tế và một chính phủ bất ổn.
Nhưng đảng AKP đương quyền tin rằng với nền kinh tế và một chính quyền hùng mạnh, các mục tiêu ấy là điều khả thi.
Ông Cetinsayar nhận định tiếp như sau: “Học thuyết về chính sách ngoại giao của đảng AKP, là một nước Thổ Nhĩ Kỳ có tầm chiến lược sâu rộng, có kích thước địa lý, với quyền lực kinh tế và quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ nên được đóng một vai trò dẫn đầu trong khu vực, kể cả tại Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ phải trở thành một thế lực quốc tế, về lâu về dài.”
Thổ Nhĩ Kỳ là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Châu Âu của Thủ tướng Trung Quốc, vốn khởi sự từ ngày 2 tháng 10 và đã đưa ông Ôn gia bảo đến Hy Lạp, Bỉ, Đức và Ý.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn gia bảo đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước, trong chuyến công du Châu Âu của ông. Là hai nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, 2 nước đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và hệ thống hạ tầng. Từ Istanbul, thông tín viên Dorian Jones của Đài VOA gửi về bài tường trình chi tiết.