Đường dẫn truy cập

Những thành phần ảnh hưởng đến quyết định đối ngoại của TQ


Theo phúc trình của SIPRI giới lãnh đạo Trung Quốc càng ngày càng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, từ cơ quan chính phủ đến viện nghiên cứu và ý kiến trên Internet
Theo phúc trình của SIPRI giới lãnh đạo Trung Quốc càng ngày càng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, từ cơ quan chính phủ đến viện nghiên cứu và ý kiến trên Internet

Tình trạng thiếu minh bạch tại Trung Quốc từ lâu vẫn là một thử thách cho giới phân tích muốn tìm hiểu về các quyết định về chính sách đối ngoại của chính phủ nước này. Một phúc trình mới cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc càng ngày càng chịu ảnh hưởng của một loạt thật nhiều những yếu tố, từ các cơ quan chính phủ đến các viện nghiên cứu và những ý kiến đưa lên mạng Internet.

Trong khi mà ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày cành lớn, do lực đẩy của sức mạnh kinh tế, các nhà nghiên cứu tại viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm, gọi tắt là SIPRI, cho biết ngày càng có nhiều thành phần, từ các giới chức cao cấp trong chính phủ và sỹ quan quân đội đến giới trí thức, các nhà nghiên cứu, giới doanh nhân và truyền thông ngày càng cạnh tranh trong việc tạo ảnh hưởng đến các quyết định của giới lãnh đạo cao cấp nhất.

Bà Linda Jakobson là trưởng phân bộ về Trung Quốc của viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm và là một trong các tác giả của phúc trình ”Những Diễn Viên Mới trong Chính Sách Đối Ngoại tại Trung Quốc.” cho biết:

“Người ta không thể nghĩ là những người đưa ra quyết định tại Trung Quốc không chỉ là một đơn vị duy nhất đối với bất cứ một vấn đề nào trong chính sách đối ngoại. Những ai muốn có sự hợp tác của Trung Quốc cần phải xét đến và lượng giá một con số rất đông những nhóm có quyền lợi liên hệ. Và theo tôi điều thật quan trọng là cần phải xét đến những chủ nghĩa dân tộc đang như một mạch nước ngầm đang lan tràn khắp Trung Quốc và cái tác động kìm hãm có thể có của nó đối với giới lãnh đạo và cái không gian mà giới lãnh đạo có thể xoay trở, nhất là trong lúc xảy ra một cuộc khủng hoảng.”

Bản phúc trình dựa trên 71 cuộc phỏng vấn, trong đó có 19 cuộc phỏng vấn với các giới chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng như các cuộc phỏng vấn với các sỹ quan trong Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, đại diện của các công ty quốc doanh, các ký giả, những người viết blogg và giới phân tích Trung Quốc.

Lên tiếng mới đây tại một buổi họp mặt ở thủ đô Washington để đánh dấu thời điểm công bố phúc trình, bà Jakobson cho biết nhiều người được phỏng vấn coi bộ Ngoại giao Trung quốc là một diễn viên yếu. Bà cũng ghi nhận rằng ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của các cơ quan chính phủ có liên hệ trực tiếp với nền kinh tế của quốc gia.

Bà Jakobson nói rằng khi mà sự dự phần Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu ngày càng lớn hơn và những thành phần trong nước ngày càng có nhiều ảnh hưởng lan rộng đối với chính sách đối ngoại thì lại càng có thêm nhiều cơ quan chính phủ và các cơ sở của đảng Cộng Sản sẽ cạnh tranh để tạo ảnh hưởng đến chuyện đưa ra những quyết định về chính sách. Bà nói :

“Điều này có nghĩa là các quyết định, ngay cả của các bộ ít quan trọng hơn bộ ngoại giao, cũng sẽ có một ảnh hưởng rộng lớn đến quốc gia.”

Bà Jakobson nói ngoài những cơ cấu chính thức của Trung Quốc, chính quyền địa phương với những mối quan hệ kinh tế quốc tế, các nhà nghiên cứu, các khuôn mặt truyền thông và quần chúng trên Internet cũng nỗ lực ảnh hưởng một cách tích cực lên chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Và theo như bà Jakobson, có những diễn viên khác như các doanh nghiệp lớn, dù không cần thiết phải tìm cách ảnh hưởng lên chính sách ngoại giao, nhưng cuối cùng cũng có ảnh hưởng, đã làm phức tạp thêm nền ngoại giao của Trung Quốc.

Bà Jakobson nói thêm trong việc theo đuổi thương mại, những doanh nghiệp này đã vô tình quan hệ với những viên chức ngoại giao về vấn đề nhân quyền, an ninh năng lượng và những vấn đề chính trị. Bà nói:

“Điều trớ trêu là, trong số những nhóm ngoại vi khác nhau do phúc trình của tổ chức SIPRI nêu ra, chính những doanh nghiệp này, vào những thời điểm khác nhau, đã ảnh hưởng nhiều nhất đến chính sách ngoại giao như trường hợp xảy ra mới đây tại Trung Á, Iran và Sudan.”

Bà Jakobson ghi nhận thêm là ảnh hưởng của Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, PLA, và Bộ An ninh Quốc gia ngày càng gia tăng:

“Nhiều người được SIPRI phỏng vấn nói Thế Vận Hội Bắc Kinh và những vụ bạo loạn xảy ra năm ngoái tại Tân Cương vào mùa hè đã khiến cho uy tín cũng như ngân khoản dành cho Bộ An ninh Quốc gia tăng thêm khiến cho Bộ này trở thành một diễn viên quan trọng trong nước và ảnh hưởng lan rộng trong các địa hạt của chính sách ngoại giao.”

Bà Jakobson nói các sĩ quan của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân ngày càng có thêm sức nặng trong diễn đàn công cộng. Bà ghi nhận là các sĩ quan PLA tham dự các cuộc hội thảo dân sự, mời các nhà nghiên cứu Trung Quốc và nước ngoài đến các buổi hội thảo của quân đội và tham gia vào các cuộc tranh luận trên truyền hình về chính sách ngoại giao. Bà Jakobson nhận định:

“Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc không còn lẩn tránh việc phô bày quyền lực. Bằng chứng là một số các vụ việc đã xảy ra cũng như việc thử nghiệm chống vệ tinh trong năm 2007. Và đây là những hành động người Trung Quốc biết rất rõ sẽ làm Hoa Kỳ và những nước láng giềng lo ngại.”

Ông David Finkelstein, Giám đốc Nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích của Hải quân Hoa Kỳ, CNA, tại Washington nói quân đội Trung Quốc đóng một vai trò ngày càng gia tăng trong việc ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao bởi vì những nhu cầu an ninh của nước này ngày càng tăng. Ông nói:

“Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc PLA ngày càng gia tăng việc dính líu đến các hoạt động có liên hệ đến chính sách ngoại giao cũng như những việc có ảnh hưởng đến chính sách an ninh. Những hoạt động đòi hỏi sự phối hợp và tham khảo của taon bộ các tổ chức của đảng Cộng Sản -Và hơn lúc nào hết trong lịch sử của Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc, PLA đi khắp mọi nơi và can dự vào đủ mọi chuyện.”

Ông Finkelstein nêu lên rằng là trong suốt thập niên qua, những hoạt động của Quân đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc ra khỏi biên giới Trung Quốc ngày càng tăng, từ việc tham gia vào những hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc cho đến việc diễn tập với quân đội nước ngoài cũng như trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG