Đường dẫn truy cập

Tuần tra Biển Đông: Úc bị kẹt giữa hai lằn đạn


Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (trái) và Tổng Thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp báo chung ở Tòa Bạch Ốc, Washington, ngày 23/2/2018. AFP PHOTO / SAUL LOEB
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (trái) và Tổng Thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc họp báo chung ở Tòa Bạch Ốc, Washington, ngày 23/2/2018. AFP PHOTO / SAUL LOEB

Sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull mới đây, Canberra lại bị áp lực để thực hiện các cuộc tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, chính phủ Úc hình như đang cân nhắc những lời kêu gọi đó giữa lúc Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) bày tỏ quan tâm rằng làm như vậy sẽ tăng căng thẳng trong khu vực.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Úc Dennis Richardson hối thúc Canberra hãy có một lập trường cứng rắn hơn chống những tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, bằng cách điều tàu đi ngang qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo mà TQ bồi đắp và xây dựng trong các vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên Ngoại trưởng Julie Bishop hôm thứ Năm nói Úc hiện đã có một sự hiện diện đáng kể trong khu vực. Phát biểu trên Skynews, bà nói những tuyến hàng hải đó là những tuyến giao thương quan trọng nhất của nước Úc, và “lẽ đương nhiên Úc thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không” tại đây.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop bắt tay với Ngoại trưởng Ấn độ Sushma Swaraj (phải) trước cuộc họp tại New Delhi, Ấn độ, ngày18/7/2017.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop bắt tay với Ngoại trưởng Ấn độ Sushma Swaraj (phải) trước cuộc họp tại New Delhi, Ấn độ, ngày18/7/2017.

Ngoại Trưởng Bishop nói tiếp:

“Điều mà nước Úc sẽ không làm là đơn phương kích động làm tăng căng thẳng trong Biển Đông bằng cách điều tàu tới gần các hòn đảo ấy. Trong khu vực đó có một số nước đòi chủ quyền, có một số vùng lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp và những cuộc thương thuyết đang được xúc tiến.”

Từng đứng đầu Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) và Cơ Quan Tình Báo An Ninh Úc (ASIO), ông Richardson nói tại hội nghị doanh thương cấp cao của Australian Financial Review 6-7/3/2018, rằng các hoạt động của Úc cần có mục tiêu rõ rệt.

Ông nói trong 4 năm qua, Trung Quốc đã “đưa sự hiện diện quân sự của họ lên một tầm cao mới, và làm điều đó nhanh chóng.” Ông nhấn mạnh:

“Tôi tin rằng chúng ta nên thực hiện các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) ngang qua các vùng lãnh hải mà Trung Quốc đòi chủ quyền dựa trên những đảo nhân tạo mà họ đã xây.”

“Lập luận cho rằng thực thi quyền tự do hàng hải là một hành động khiêu khích là sai lầm. Điều gây bất ổn chính là cách hành xử của Trung Quốc.”
Peter Jennings, cựu Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Úc

Lời kêu gọi của ông được sự hậu thuẫn của ông Peter Jennings, cựu Giám Đốc Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc. Ông Jennings nói:

“Nếu tránh đi vào phạm vi 12 hải lý (từ các đảo nhân tạo) thì đó không thực sự là một hoạt động bảo vệ tự do hàng hải. Lập luận như bà Bishop rằng thực thi quyền tự do hàng hải là một hành động khiêu khích là sai lầm. Điều gây bất ổn chính là cách hành xử của Trung Quốc.”

Trong mấy năm gần đây, Bắc Kinh đã bồi đắp, lắp đất xây thêm lên trên những hòn đá chìm và bãi cạn để tạo ra những đảo nhân tạo, đầy đủ với bến cảng, phi đạo và các cơ sở quân sự.

Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học NSW, lưu ý rằng Trung Quốc đòi chủ quyền của tất cả thực thể bên trong đường-9-đoạn do họ vẽ ra và các vùng biển xung quanh, vì vậy điều tàu vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý của một đảo nhân tạo chỉ là “thả mồi bắt bóng”, bởi vì Trung Quốc chưa bao giờ phân định vùng chủ quyền lãnh thổ quanh bất cứ thực thể nào mà họ đang chiếm đóng.

Bà Bishop nói Úc không có một chương trình tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải (FONOP) như Mỹ, mà chỉ hỗ trợ Hoa Kỳ trong việc thực hiện các chiến dịch FONOP.

“Úc không có khả năng đó. Đó không phải là trọng tâm của chúng ta.”

Tiến sĩ Sam Bateman, một cố vấn của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói Canberra nên thận trọng, ông cho rằng ý kiến theo đó tiến hành tuần tra bảo vệ tự do hàng hải phục vụ các lợi ích quốc gia của Úc “không có cơ sở ”. Ông nói:

“Tình hình trong Biển Đông rất lộn xộn và phức tạp. Đối với Úc, Anh hay Pháp, tiến hành các hoạt động FONOP để thể hiện lập trường chống Trung Quốc không thực sự phục vụ một mục đích hữu ích nào. Thay vào đó, những hoạt động đó chỉ làm cho tình hình đang dần dần ổn định, trở nên bất ổn hơn.”

Giáo sư Clive Williams, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, cũng khuyên Canberra nên “tự chế”.

Ông nói:

“Làm phật lòng Trung Quốc sẽ có hậu quả lớn đối với nước Úc, hơn là đối với với Hoa Kỳ. Hậu quả đối với quan hệ thương mại của chúng ta lớn hơn so với Hoa Kỳ, và hậu quả về mặt chiến lược cũng rất lớn. Tôi hơi lo ngại rằng người Mỹ đang lôi kéo chúng ta vào một điều gì đó có thể không thăng tiến các lợi ích của chúng ta, mà thăng tiến lợi ích của Mỹ.”

Báo cáo về chuyến công du Hoa Kỳ mà ông cho là thành công, Thủ Tướng Úc không đề cập gì tới đề nghị của đồng minh Mỹ.

Cựu Ngoại Trưởng Úc Bob Carr nói trở thành đối tác, đồng minh hay nước bạn duy nhất của Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra đó sẽ là “một bước lớn” đối với Úc.

Cựu Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược Úc Peter Jennings nói nước Úc sẽ chịu nhiều sức ép “để đứng dậy bảo vệ các lợi ích chiến lược của chính mình.”

Ông lưu ý rằng nước Anh mới đây loan báo sẽ điều tàu vào Biển Đông, mặc dù London không công khai tuyên bố tàu HMS Sutherland có tiến vào phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo hay không.

Nước Pháp cũng đã đưa tàu đi ngang qua khu vực, nhưng tỏ ra kín đáo, không công khai những chi tiết của hoạt động này.

XS
SM
MD
LG