Lực lượng tuần duyên Philippines và Nhật Bản đã tổ chức một cuộc diễn tập chống cướp biển ngày hôm nay.
Theo hãng thông tấn Reuters, cuộc diễn tập thể hiện sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hàng hải, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang vì các vụ tranh chấp biển đảo trong khu vực.
Cả Philippines lẫn Nhật Bản đều phải đối diện với thách thức do các hành động quyết đoán của Trung Quốc gây ra hồi gần đây ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, là những nơi mà Bắc Kinh đã dùng lực lượng tuần duyên và tàu đánh cá để khẳng định các đòi hỏi chủ quyền của mình.
Cuộc diễn tập hôm nay, thứ Tư 6 tháng Năm, là cuộc diễn tập hỗn hợp Nhật-Phi đầu tiên kể từ khi hai nước ký hiệp định đối tác chiến lược vào năm 2012.
Theo bản tin Reuters, có mặt để chứng kiến cuộc diễn tập tại Vịnh Manila, là 17 quan chức đứng đầu các lực lượng tuần duyên của 17 nước Á Châu, kể cả Trung Quốc.
Các quan chức này đã tụ tập tại thủ đô của Philippines để tham dự một hội thảo, bàn về những phương cách hợp tác để củng cố an ninh và đối phó với nạn cướp biển và các tội ác xuyên quốc gia.
Nhật Bản trong thời gian gần đây đã hỗ trợ Philippines nâng cao các kỹ năng hàng hải trong các lĩnh vực thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh và môi trường.
Reuters dẫn lời Đại Uý Koichi Kawagoe thuộc Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản nói với các nhà báo rằng cuộc diễn tập có mục đích ‘phục vụ các lợi ích của hai nước chống các hoạt động cướp biển, buôn lậu ma tuý và buôn lậu vũ khí’.
Đại Uý Kawagoe nói thêm rằng Nhật Bản sẵn sàng trợ giúp các nước Đông Nam Á, ngay cả trong các vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của một nhà báo về cuộc diễn tập Philippines-Nhật Bản, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh nói rằng bà hy vọng các nước trong khu vực sẽ cố gắng nhiều hơn để “tăng lòng tin lẫn nhau và duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực”.
Trung Quốc mới đây bác bỏ những phản đối ngoại giao của Philippines và Việt Nam, cũng như những lời chỉ trích của Hoa Kỳ về các hoạt động bồi đắp xây đảo của nước này tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang trong vòng tranh chấp giữa nhiều nước.
Từ Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh lặp lại rằng các địa điểm liên hệ ‘nằm trong khu vực thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc’.