Đường dẫn truy cập

Hải quân Việt Nam phô trương sức mạnh


Cuộc phô trương sức mạnh hải quân diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh mẽ khẳng định chủ quyền trên biển Đông.
Cuộc phô trương sức mạnh hải quân diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh mẽ khẳng định chủ quyền trên biển Đông.

Hàng nghìn binh sĩ hải quân Việt Nam hôm nay đã tham gia cuộc diễu binh đánh dấu 60 năm ngày thành lập, và người đứng đầu lực lượng này nói rằng việc “đấu tranh, bảo vệ chủ quyền phức tạp hơn”.

Ngòai ra, các chiến hạm, tàu tuần tra, tàu ngầm Kilo và nhiều biên đội tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam đã duyệt đội hình trên biển tại quân cảng Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Hải quân Việt Nam, được báo chí trích lời nói: “Tình hình trên biển Đông, cũng như các vùng biển nước ta đã và đang diễn ra những diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều động thái mới, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Ông nói thêm rằng “sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền đã và đang bước vào một giai đoạn mới, nặng nề và phức tạp hơn”.

Trong khi đó, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã ca ngợi lực lượng hải quân Việt Nam và “nêu rõ trọng trách bảo vệ chủ quyền đất nước trong tình hình mới”.

Cuộc phô trương sức mạnh hải quân diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang mạnh mẽ khẳng định chủ quyền trên biển Đông bằng việc bồi đắp, xây các đảo nhân tạo mà giới chức Mỹ nói sẽ tạo nên Vạn lý Trường thành bằng cát.

'Gia tăng chi tiêu quân sự'

Mới đây, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, nói rằng chính quyền Hà Nội tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự với mức tăng 9,6% trong năm 2014, lên 4,3 tỷ đôla.

Mức tăng chi tiêu này cao hơn so với mức trung bình 5% của khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Tuần này, các hãng thông tấn quốc tế đưa tin, Việt Nam đang trang bị cho đội tàu ngầm loại tên lửa có khả năng bắn tới các thành phố ven biển của Trung Quốc.

Dữ liệu đăng trên trang web của SIPRI cho thấy Việt Nam đang mua phiên bản dùng để tấn công đất liền của loại tên lửa Klub do Nga chế tạo.

Theo Viện nghiên cứu này, tính từ năm 2005 tới nay, chi tiêu quân sự của Việt Nam tăng nhanh tới 128%, và điều đó xuất phát từ tình hình căng thẳng với Trung Quốc tại biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông).

Năm qua, chính quyền Bắc Kinh, quốc gia hiện có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Việt Nam và một số quốc gia khác trên biển Đông, chi tới 216 tỷ đôla cho quân sự.

Theo Sách trắng về Quốc phòng của Việt Nam công bố lần gần đây nhất là năm 2009, Việt Nam đã chi hơn 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội, cho ngân sách quốc phòng trong năm 2008.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh từng được báo chí trong nước dẫn lời cho biết sẽ công bố Sách trắng về Quốc phòng vào cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, cho tới này cuốn sách quan trọng về vấn đề quốc phòng vẫn chưa ra mắt.

Một hợp đồng quân sự lớn nhất của Việt Nam gần đây là việc mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Nga năm 2009, trị giá khoảng 2 tỷ đôla, và dự kiến sẽ được bàn giao tất cả vào năm 2016.

Theo VnExpress, Reuters, VOA

VOA Express

XS
SM
MD
LG