Tổ chức 'Save the Children' nói rằng có khoảng trên một triệu em bé chết mỗi năm vào ngày sinh của các bé. Đây đều là những cái chết có thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, một vài quốc gia châu Á lại là điểm sáng của thực trạng đáng buồn này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tại các nước đang phát triển, có gần một nửa số các bà mẹ và trẻ sơ sinh không nhận được sự chăm sóc chuyên nghiệp trong và sau khi sinh. Ông Ishtiaq Mannan của 'Save The Children' giải thích thêm về trường hợp tử vong ở trẻ sơ sinh với phóng viên Frances Alonzo của đài VOA:
“Những ca tử vong ở trẻ sơ sinh thường xảy ra trong vòng ngày đầu tiên khi bé được sinh ra. Thực ra, lý do có thể đến từ các trường hợp biến chứng trong khi sinh, được biết đến nhiều nhất là chứng ngạt khi sinh. Tiếp đó, sinh non là một trong những lý do hàng đầu khác dẫn đến tử vong trong ngày đầu tiên; và cuối cùng là nhiễm trùng. Vì vậy, đây là ba nguyên nhân chính gây ra tử vong ở trẻ sơ sinh trong ngày đầu.”
Trong phúc trình mới nhất của tổ chức Save the Children có tên ‘Ending Newborn Deaths’ – tạm dịch ‘Chấm dứt những cái chết sơ sinh,’ Bangladesh xuất hiện một cách nổi bật chính nhờ vào thành tựu lớn nhất của nước này khi thực hiện các bước cải thiện thành công trong việc kiểm soát tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong. Ông Mannan cho biết:
“Có hai mặt vấn đề của Bangladesh, một trong những nước trọng tâm, được nói đến trong bản phúc trình này. Bangladesh đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong vài thập kỷ vừa qua trong vấn đề giảm thiểu tử vong ở trẻ. Hiện tại khi tôi nói tử vong ở trẻ em, điều này có nghĩa là trẻ dưới năm tuổi. Vì vậy, trong hai thập kỷ vừa rồi, tử vong ở trẻ tại Bangladesh đã giảm một cách đáng kể xuống mức 41 ca tử vong trên 1000 ca sinh. Và Bangladesh cũng là một trong những quốc gia hiếm hoi vẫn đang trên đà đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 4, gọi tắt là MDG 4, tức cắt giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ.”
Theo ông Mannan, có được sự thành công lớn như vậy là nhờ vào nỗ lực của Bangladesh trong việc áp dụng việc tiêm chủng gần như hoàn toàn trong nước, điều trị tiêu chảy và điều trị chứng viêm phổi.
Về phương diện sức khỏe cho thai phụ, Bangladesh đã có thể cắt giảm 40 phần trăm tỉ lệ thai phụ tử vong trong vòng một thập kỷ qua. Số lượng các nhân viên y tế có kỹ năng tham gia trong quá trình sinh nở gần như tăng gấp đôi trong tám năm qua là một nhân tố quyết định cho sự thành công trên.
Tuy nhiên, ông Mannan nói rằng đây mới chỉ là phương diện thành công mà Bangladesh có được và không thể phủ nhận sự tồn tại của những vấn đề mà Bangladesh chưa thể giải quyết:
“Mặt khác, nếu chúng ta nhìn vào mức độ hiện giờ…số lượng các bà mẹ sinh nở tại những nơi có các nhân viên y tế chuyên nghiệp chỉ chiếm một phần ba. Điều này có nghĩa là hai phần ba số thai phụ ở Bangladesh vẫn sinh con tại nhà với sự giúp đỡ của những người đỡ đẻ không được đào tạo chuyên nghiệp. Vì vậy, những thai phụ này và cả những em bé do những thai phụ này sinh ra đều phải chịu rủi ro. Ngoài ra còn có vấn đề về chất lượng chăm sóc. Chất lượng chăm sóc các bà mẹ đều đặt ra nhiều nghi vấn trong nhiều trường hợp.”
Một khía cạnh khác được ông Mannan nhắc đến là tình trạng bất bình đẳng. Ông nói rằng mặc dù Bangladesh là một đất nước nhỏ và mọi người có chung nguồn gốc, nhưng đây lại là một nước đông dân với dân số là 160 triệu người. Thách thức cuối cùng mà Bangladesh phải đối mặt là củng cố các hệ thống chăm sóc y tế. Do đó các hệ thống y tế như vấn đề về nhân sự, lực lượng y tế, sự sẵn có về thông tin chất lượng có thể chấp nhận và sử dụng được, hệ thống giám sát, hỗ trợ cố vấn, và các nguồn cung cấp hậu cần. Ðây là những vấn đề toàn diện đưa đến việc cung cấp và chất lượng yếu kém.
Bên cạnh Bangladesh, một số quốc gia Nam Á khác như Nepal, Ấn Độ v..v.. cũng đang có sự tiến bộ, theo ông Mannan:
“Nepal, theo tôi, cũng giống như Bangladesh. Họ đang trên đà tiến tới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 4 – cắt giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ, và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 5 – cải thiện sức khỏe bà mẹ. Vì vậy, Nepal đã cho thấy và chứng minh được rằng việc sử dụng các tình nguyện viên và các phương pháp dựa trên nền tảng cộng đồng, cùng với những cam kết liên tục từ chính phủ có thể tạo ra sự khác biệt lớn lao như thế nào.
Ấn Độ là một nước lớn và một vài vùng ở Ấn Độ cũng đang tạo ra nhiều sự tiến bộ. Nhưng dù sao vẫn còn những vấn đề về sự bất bình đẳng. Trong thời gian gần đây, chính phủ Ấn Độ đã tuyển dụng hơn một triệu nhân viên y tế và lực lượng y tế này đang hoạt động như là một phương tiện đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh đến với các hộ gia đình ở các cộng đồng nông thôn. Ngoài ra, Pakistan và Afghanistan cũng đang tạo ra nhiều sự tiến bộ đáng ghi nhận.”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, công tác chăm sóc hiệu quả có thể giảm tới ba triệu trên tổng số bốn triệu ca tử vong ở trẻ dưới một tháng. Gói chăm sóc cần thiết bao gồm chăm sóc tiền sản cho bà mẹ, khám sản khoa, và khả năng cứu sống trẻ sơ sinh ngay khi vừa sinh ra của người đỡ đẻ. Phần lớn các ca tử vong liên quan đến nhiễm trùng có thể được tránh bằng cách điều trị nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai, đảm bảo sinh nở sạch sẽ, và hoàn toàn thực hiện việc cho con bú bằng sữa mẹ. Với những vết nhiễm trùng, thuốc kháng sinh là một phương thuốc cứu sống và cần phải có sẵn tại địa phương. Những em bé thiếu cân cần duy trì nhiệt độ cơ thể bằng cách tiếp xúc da với người mẹ. Chỉ bằng một vài biện pháp can thiệp như trên cũng đều có thể cứu sống rất nhiều thai phụ và ngăn ngừa thai chết.
Theo ông Mannan, mặc dù bản phúc trình ‘Chấm dứt những cái chết sơ sinh’ không thể thay đổi thế giới nhưng có thể phần nào cho biết cần hướng sự tập trung vào đâu, xác định đúng vấn đề, và giúp nhận biết những ai dễ bị tổn thương, những ai có nguy cơ tử vong, để từ đó có thể tập trung sự giúp đỡ của chúng ta về hướng đó.
Nguồn: VOA Interview, WHO