Đường dẫn truy cập

Từ thỏi son Louboutin ngẫm về hàng nội địa


Son Christian Louboutin sau một đêm nổi như cồn. Khắp facebook của hầu hết các cô gái Việt đều xuất hiện những status, hình ảnh về thỏi son được mệnh danh là đẹp nhất hành tinh này. Cũng trong cùng một ngày, một vài hot girls, net idols cũng được dịp “ăn theo” vì là một trong những người có trong tay thỏi son này đầu tiên. Có cô gái bỗng dưng khoe được tủ son 500 loại từ các hãng mỹ phẩm cao cấp. Lượng view facebook cũng tăng cả ngàn follow.
Chuyện đáng nói ở đây đó là trong số lượng khoảng hơn 1000 bạn trong facebook của mình, cũng có khoảng gần 100 người là người Mỹ và không một ai trong số họ có bất cứ động tĩnh nào về “hiện tượng” này. Vậy thỏi son 90 đô la Mỹ, về đến Việt Nam đã được đội giá lên khoảng 2 triệu 500 nghìn, có sức hút đến vậy là do chiến dịch quảng cáo quá xuất sắc của Christian Louboutin hay do tâm lý ưa hàng hiệu của người Việt? Thực chất cả 2 câu trả lời đều đúng. Đã lâu rồi, chương trình gặp nhau cuối tuần có đề cập đến tâm lý “sính ngoại” này, đến mức ông bà yêu cháu “ngoại” hơn cả cháu nội. Apple đã từng công bố Việt Nam trở thành một trong những thị trường thành công nhất mỗi đợt cho ra các dòng sản phẩm mới. Tôi không chuyên ngành về kinh tế, nhưng cũng dám chắc việc xu hướng hội nhập hàng hóa như vậy cũng có phần làm phát triển kinh tế hay chăng?

Tuy nhiên, tâm lý sính ngoại lại đi kèm với thái độ lạnh nhạt đến mức tẩy chay hàng nội địa. Năm ngoái, tại Nhật Bản, chiếc túi cám con cò, thường được gọi là bao tải để đựng gạo, cám tại Việt Nam bỗng được ưa chuộng, trở thành xu hướng thời trang. Khách du lịch nô nức mua dùng và còn nhập khẩu về để bán tại các cửa hàng thời trang. Thiết kế túi chỉ đơn giản là cắt nhỏ vừa vặn và may thêm quai, những dòng chữ Việt Nam vẫn được giữ nguyên bản. Những hình ảnh về chiếc túi đậm chất Việt Nam này nhanh chóng được lan truyền trên mạng. Nhưng kỳ lạ, thay vì vui mừng về hình ảnh đất nước, sản phẩm đất nước được truyền bá, thì lại là một thái độ “dè bỉu” vì thiết kễ cũ kỹ, quê mùa của những chiếc túi này.

Nếu đi hỏi lý do tại sao nhiều cô gái Việt lại chọn lựa mua bằng được thỏi son Louboutin, trong khi chắc chắn vẫn chưa dùng hết thỏi son hiện tại, hoặc có những chọn lựa khác chất lượng tốt, giá cả lại vừa phải hơn, tôi không nghĩ sẽ nhận được những câu trả lời hợp lý. Tuy nhiên tôi biết có một thứ cảm giác hãnh diện khi trong tay mình có được thỏi son “hot” nhất hay một chiếc iphone6plus, khi mà những đồ vật đắt giá ấy đang là thước đo giá trị bản thân trong một xã hội đang có nhiều giá trị hỗn loạn như ở Việt Nam. Đừng quên Bphone của BKAV – một trong những sản phẩm công nghệ đình đám “made in Vietnam” ra đời đã nhận cực nhiều “gạch đá” từ người tiêu dùng ngay từ thời điểm giới thiệu sản phẩm. Khoan nói về chất lượng sản phẩm hay chiến dịch pr, quảng cáo, rõ ràng niềm tin dành cho hàng Việt của người Việt đã không tồn tại ngay từ đầu.

Thử ngẫm, người Việt dùng hàng Nhật, dùng hàng Mỹ, dùng hàng Hàn Quốc, hàng Trung Quốc, Thái Lan… Vậy những đất nước đó, họ đang dùng hàng hóa từ đâu? Câu trả lời chính là hàng nội địa. Hàn Quốc là một trong những đất nước có tâm lý chuộng hàng nội địa rất lớn, để rồi kết quả là Samsung đã và đang trở thành công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Có câu nói đùa rằng, Nhật có Toyota thì Hàn cũng có Hyundai, Nhật nổi tiếng với Sony thì Hàn tự hào vì Samsung, không gì Nhật có mà Hàn lại không có! Không chỉ các mặt hàng điện tử, các hãng mỹ phẩm của Hàn Quốc cũng vô cùng nổi tiếng với chất lượng khỏi bàn cãi. Đi vào trung tâm mua sắm tại các thành phố lớn, rất khó để có thể thấy được một sảnh hàng mỹ phẩm ngoại nhập nào. Sự phát triển đó bắt nguồn từ niềm tin tưởng của người Hàn đối với các sản phẩm nội địa cộng thêm sự cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Nhật Bản cũng là đất nước “khét tiếng” vì sự khó tính với hàng nhập khẩu. Hay như Trung Quốc, dù người dân khá ưu ái các sản phẩm của Apple nhưng nhìn chung các công ty nội địa vẫn thống trị thị trường Trung Quốc. TCL và Skyworth là những nhãn hiệu LCD hàng đầu tại nước này, khiến Samsung và LG luôn vất vả tìm đường thâm nhập.

Để kết bài, tôi muốn kể một câu chuyện mới được rất nhiều người chia sẻ trên Facebook về một chiếc hồ hóa chất ngâm hoa quả của người Trung Quốc chuyên xuất khẩu hoa quả sang Việt Nam. Một người Việt vô tình làm rơi ví xuống hồ và mò xuống vớt. Ngay sau đó chủ nhà khuyên nên về nhà chia tay người thân vì 3 tháng sau anh ta chắc chắn sẽ chết vì ngộ độc hóa chất. Hoa quả từ chiếc hồ đó sau khi được ngâm nhìn vô cùng đẹp, căng mọng, được dán mác hàng Mỹ và chỉ chuyên được bán ở Việt Nam vì người Việt chuộng hoa quả đẹp. Câu chuyện chưa được kiểm chứng thật giả, nhưng gần đây người Việt đã phải chứng kiến sự “chết” hàng loạt của hoa quả Việt vì không ai mua, nông dân khóc ròng vì hàng ế. Có lẽ trong tương lai, mặt hàng nội địa được ưa chuộng nhất trong nước và thế giới có lẽ, vẫn chỉ là gạo.

* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG