Đường dẫn truy cập

Ngày khai giảng nói chuyện quốc ca


Trẻ em chào cờ và hát quốc ca trong lễ khai mạc năm học mới tại một trường học ở Hà Nội, ngày 5/9/2015.
Trẻ em chào cờ và hát quốc ca trong lễ khai mạc năm học mới tại một trường học ở Hà Nội, ngày 5/9/2015.

Ngày 5/9 thường niên là thời điểm bắt đầu năm học của tất cả trường học tại Việt Nam. Một sáng mùa thu trên đường phố, nô nức những tà áo trắng hay những bộ đồng phục trắng đen tươi tắn của các em học sinh. Về dự lễ khai giảng thăm trường, gặp lại thầy cô, bạn bè cũ, tôi cũng đứng vào hàng ngũ của các cựu học sinh, cùng hát những khúc ca quốc ca, đoàn ca hào hùng. Tiếng nhạc của “Tiến Quân Ca” vang lên khiến tôi nghĩ về câu chuyện đề nghị thu phí bản quyền của ca khúc này. Đây là một vấn đề gây nhiều bàn cãi tại Việt Nam trong nhiều ngày qua và hiện tại vẫn chưa có một công văn chính thức nào về cách thức thu phí bài hát.

Khoan nói chuyện lệ phí, sau khi đọc một số bài báo, tài liệu, tôi dám chắc dù hàng triệu người Việt Nam dõng dạc hát hàng tuần, vẫn rất ít người có thể biết được quá trình ra đời và tồn tại của “Tiến Quân Ca”.

Bài hát được viết tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền năm 1944, sau khi nhạc sĩ Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng. Nói về bài hát này, ông viết lại trong một ghi chép “Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Tôi đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng loang trên hồ lạnh. Họ đang đun thứ gì trong ống bơ sữa bò. Ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Tôi ngờ ngợ như gặp lại cháu tôi. Đôi mắt nó giống như mắt mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó không phải là con cái số người đó. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc, cũng không phải là cháu tôi. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định - Hải Phòng. Tôi bỗng trào nước mắt, và quay đi. Đêm ấy, về căn gác tôi đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài Tiến quân ca”. Và ông đã viết nên một ca khúc mang những ngôn từ rất giản dị nhưng chất chứa hồn đất, hồn nước, hồn người của lịch sử. “Tiến Quân Ca”, hay khi đó còn có tên gọi là “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”, ngay lập tức lan rộng trong quần chúng và lần đầu tiên được hát trong một cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Tháng 8 năm 1945, chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức tuyên bố ca khúc “Tiến Quân Ca” là quốc ca của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cho tới nay, mặc dù Việt Nam đã không còn chiến tranh và đất nước được đổi tên thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bài hát này vẫn vang lên với tư cách là một “national anthem”.

Tuy vậy, phải kể thêm rằng, tác phẩm âm nhạc này của Văn Cao đã trải qua nhiều thăng trầm. Năm 1958, “Tiến Quân Ca” dự định được thay thế bởi “Bài ca cách mạng tiến quân” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tháng 4 năm 1981, do không có hiến pháp chính thức công nhận Tiến Quân Ca là quốc ca, Việt Nam tổ chức một cuộc thi sáng tác quốc ca lớn với gần 30.000 bài hát dự thi tuy nhiên không có tuyên bố chính thức về kết quả. Và Tiến Quân Ca vẫn cứ điềm nhiên in dấu trên bờ môi người Việt như khúc trường ca bất hủ của đất nước. Liệu đã ai tự hỏi rằng trong 70 năm kể từ khi Tiến Quân Ca được sáng tác, tại sao phải đến bây giờ mới nảy sinh chuyện thu tác quyền? Năm 2010, bà Nghiêm Thúy Băng, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao, gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trân trọng ngỏ lời hiến tặng Đảng, Quốc hội, Nhà nước và công chúng tác phẩm “Tiến Quân Ca” được sử dụng làm Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1946 đến nay, cũng như theo tâm nguyện của cố nhạc sĩ khi còn sống. Tuy vậy, đã không có bất cứ một phản hồi nào về đề nghị này. Phải đến khi xảy ra việc thu tác quyền, ngày 26/8/2015, Bộ mới gửi công văn đến VPCMP đề nghị dừng thu tiền vì lời hiến tặng của bà!

Đọc về lịch sử của “Tiến Quân Ca”, tôi nhớ đến bộ phim “The Red Violin” kể về một chiếc đàn cổ được làm từ năm 1681 tại Cremona Ý, bắt đầu một “cuộc đời” phiêu lưu đến khắp nơi trên thế giới trong gần 3 thế kỷ. Năm 1997, cây đàn vĩ cầm màu đỏ máu này được bán đấu giá tại Montreal với mức giá lên tới 2,4 triệu đô la Mỹ. Những di sản âm nhạc trở nên bất hủ bởi chính tình yêu thuần khiết của người nghệ sĩ tạo ra nó. Và dẫu là hàng trăm năm trước, những di sản ấy luôn đáng nhận được sự trân trọng, biết ơn một cách xứng đáng bởi giá trị để lại cho cuộc đời. Nếu tính toán dựa trên mức phí mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VPCMP) hiện nay vẫn đang áp dụng, thì Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao có thể đạt đến mức giá hàng trăm tỉ đồng. Ngậm ngùi thay, nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) đã sống cả một cuộc đời thanh bạch và nghèo khó. Có một câu chuyện tôi đọc được rằng vào tháng 2 năm 1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đến thăm Hà Nội. Bên cạnh những di tích lịch sử như Văn Miếu Quốc Tử Giám, chiến trường Điện Biên Phủ…, ngôi nhà của nhạc sĩ Văn Cao bất ngờ được chọn là một điểm đến khi đó. Ngay lập tức, ngôi nhà của nhạc sĩ đã được vội vã dọn dẹp tổ chức lại và ông cũng bất ngờ nhận được một khoản trợ cấp vài trăm đồng từ phía chính phủ, vì nhận ra ông đang có cuộc sống quá chật vật. Câu chuyện kể lại vẫn cứ thấy đau đáu trong tim.

Chuyện thu phí tác quyền tạm gác lại, không một ai có câu trả lời thỏa đáng cho số tiền cần trả cho Tiến Quân Ca, nhưng qua đó, có một câu trả lời rõ ràng về thái độ của người Việt dành cho cha đẻ của ca khúc ấy, một người nghệ sĩ tài hoa đã dành một đời để cống hiến.

* Blog 'Trong lòng Hà Nội' của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG