Việt Nam, sau nhiều năm liên tiếp, tiếp tục nằm trong nhóm các nước không có tự do Internet, theo phúc trình Tự do Internet 2017 vừa công bố của tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Freedom House ghi nhận trong năm qua, Việt Nam tăng cường truy tố, bỏ tù các blogger; các ngòi bút độc lập thường bị các nhóm dân sự tấn công, sách nhiễu; các cuộc biểu tình hay tuần hành của người dân phát động qua mạng Internet bị công an ngăn trở bằng bạo lực và đe dọa; và các quy định luật lệ đe dọa siết chặt hơn nữa quyền tự do Internet của công dân được ban hành.
Giai đoạn khảo sát của phúc trình năm nay bắt đầu từ giữa năm ngoái được đánh dấu bởi tai họa môi trường hồi tháng 5 năm 2016 và vụ cá chết hàng loạt do ô nhiễm từ Nhà máy Thép Formosa ở Hà Tĩnh gây ra.
Báo cáo của Freedom House nói chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không hề nỗ lực cải thiện môi trường tự do Internet. Sau khi trả tự do cho một số blogger trong lúc Việt Nam thương lượng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với các nước, các vụ bắt bớ tiếp tục gia tăng kể từ 6 tháng cuối của năm 2016. Tính đến tháng 4 năm 2017, ít nhất có 19 cá nhân bị bắt vì những hoạt động trên mạng, theo thống kê của tổ chức Phóng viên Không Biên giới ở Pháp, và một chiến dịch đàn áp mới được ghi nhận trong mùa hè năm nay.
Một trường hợp điển hình trong chiến dịch trấn áp quyền tự do Internet tại Việt Nam là bản án của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức “Mẹ Nấm”, người bị bắt vào năm 2016 về tội “tuyên truyền chống nhà nước” và bị kết án 10 năm tù.
Theo ghi nhận của Freedom House, nữ blogger này bất chấp sự đàn áp của chế độ áp chế cộng sản, đã phơi bày các vấn đề gây tranh cãi như nạn tịch thu đất đai, nạn bạo hành trong ngành công an, thực trạng giới hạn quyền ngôn luận trong khi bà khuyến khích người dân tham gia thảo luận chính trị trên mạng xã hội Facebook.
Blogger “Mẹ Nấm” cũng được Freedom House vinh danh trong danh sách 12 gương mặt tranh đấu cho tự do Internet trên thế giới. Danh sách này được đưa ra cùng với bản báo cáo về Tự do Internet 2017 hôm nay.
Báo cáo nêu rõ trong khi một vài công ty được cấp giấy phép xây dựng hạ tầng cơ sở, công ty nhà nước VNPT và công ty Viettel của quân đội chiếm lĩnh toàn bộ lãnh vực viễn thông ở Việt Nam.
Vẫn theo phúc trình, nhà cầm quyền có thể ngăn chặn định kỳ hay hạn chế tiếp cận Internet vì những lý do chính trị và an ninh. Trong giai đoạn thăm dò của phúc trình này, tín hiệu 3G bị hạn chế tại địa phương để ngăn việc sử dụng SMS và truyền thông xã hội ít nhất trong một trường hợp.
Vào ngày 19/4/16, không có tín hiệu 3G và không có dịch vụ điện thoại trong nhiều giờ đồng hồ tại Đồng Tâm, Hà Nội, nơi cư dân bắt làm con tin 30 nhân viên công lực trong vài ngày trong một vụ mâu thuẫn về đất đai.
Báo cáo của Freedom House nhận xét với ít nguồn lực kiểm soát nội dung trên Internet so với Trung Quốc, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam dù sao cũng thành lập được một hệ thống sàng lọc hữu hiệu, với các phương tiện truyền thông xã hội và những ứng dụng truyền thông thường xuyên bị ngăn chặn.
Freedom House nói bộ phận phụ trách về văn hóa và ý thức hệ của đảng cộng sản và Bộ Văn hóa Thông tin thường xuyên chỉ thị cho những công ty Internet xóa bỏ những nội dung được xem là có vấn đề, bằng các lệnh không rõ ràng, thường là lệnh miệng.
Phúc trình Tự do Internet 2017 đánh giá 65 quốc gia trên thế giới, chiếm 87% số người dùng Internet toàn cầu.
Báo cáo tập trung vào tình trạng tự do Internet ở mỗi quốc gia tính từ tháng 6 năm 2016 đến tháng 5 năm nay.
Trong 3 năm liên tiếp, Trung Quốc bị liệt kê là nước vi phạm quyền tự do Internet tệ hại nhất trên thế giới. Theo sau là Syria và Ethiopia.
(Nguồn Freedom House)