Đường dẫn truy cập

Tự do biểu đạt hay khiêu khích?


Hùng Cửu Long sau khi bị đuổi khỏi thương xá Phước Lộc Thọ và được cảnh sát bảo vệ. (Ảnh: Facebook Nguyen Van Ly)
Hùng Cửu Long sau khi bị đuổi khỏi thương xá Phước Lộc Thọ và được cảnh sát bảo vệ. (Ảnh: Facebook Nguyen Van Ly)

Cuối tháng 11 vừa qua, người Việt ở Quận Cam, California, xôn xao về việc một du khách từ Việt Nam qua Mỹ có ý định mang hình ảnh cờ đỏ sao vàng đến trước thương xá Phước Lộc Thọ trên phố Bolsa thuộc thành phố Westminster, là trung tâm của người Việt tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ.

Người định làm chuyện đó là Lê Đình Hùng, được biết đến với hai tên khác là Hùng Cửu Long và Mr. Áo Dài.

Tuy nhiên, khi ông Hùng xuất hiện tại bãi đậu xe của thương xá Phước Lộc Thọ, theo những phim ảnh được chính ông ta và những người phản đối ghi nhận và đưa lên mạng, lúc đó ông không mặc áo dài đỏ với ngôi sao vàng trước ngực, mà mặc áo dài gấm màu vàng, bên ngoài khoác áo măng-tô màu đen, trên cổ quàng một khăn dài màu đỏ với những vạch ca-rô đen. Tuyệt nhiên không có sao vàng.

Khi vụ việc xảy ra đã có những thông tin trên mạng nói ông Hùng đem cờ đỏ đến Little Saigon. Nhưng thật ra khi xuất hiện trước thương xá ông ta không mặc áo dài đỏ với sao vàng, như ông đã mặc trong khi đi thăm nhiều nơi khác trên đất Mỹ.

Hùng Cửu Long là chủ một cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quí ở Việt Nam. Ông từng ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng không thành công. Ông ta cho biết vì quan tâm đến hòa hợp hòa giải dân tộc chưa có từ khi chiến tranh chấm dứt hơn 40 năm trước nên ông muốn tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng của người Việt hải ngoại về vấn đề này.

Có lẽ ông Hùng là người lập dị khi muốn làm chuyện này ngay tại Little Saigon, vì chuyện hòa hợp hòa giải quan trọng hơn cả là với người dân trong nước vì họ đã mong đợi từ hơn 40 năm nay.

Ở Mỹ chỉ có hơn một triệu người Việt, một cộng đồng mà đa số là những người đã sinh sống qua thời Việt Nam Cộng hòa. Còn trên đất nước Việt Nam, hiện có vài chục triệu người từng là công dân hay là con cháu của công dân nước Việt Nam Cộng hòa đã hiện hữu trong 20 năm, mà sau ngày 30/4/1975 nhiều người đã bị đọa đày trong những trại học tập cải tạo, những vùng kinh tế mới chỉ vì họ ở bên kia chiến tuyến với Hà Nội và gia đình họ đã bị phân biệt đối xử.

Điều nhà nước Việt Nam cần làm là hòa giải với những nạn nhân của chế độ cộng sản còn đang sống trên quê hương của mình. Còn người Việt hải ngoại ở xa xôi, đa số cũng đã hội nhập vào đời sống mới, có muốn hòa hợp và hòa giải với Hà Nội cũng chẳng được quyền lợi gì nhiều, chưa kể nhiều người còn có khác biệt chính kiến với nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Hùng Cửu Long sang Mỹ, đi nhiều nơi với chiếc áo dài in hình cờ đỏ sao vàng và ông đã quay phim, chụp ảnh trước Tòa Bạch Ốc, trước Đài tưởng niệm Abraham Lincoln ở Thủ đô Washington, tại đập Hoover ở tiểu bang Nevada, trước một tiệm sơn móng tay trong một thương xá ở miền Đông Hoa Kỳ và nhiều nơi khác. Ông hãnh diện đưa những hình ảnh đó lên trang Facebook của mình.

Ở những nơi đó ông Hùng phô diễn mà không gặp vấn đề gì với lá cờ đỏ sao vàng trên mình.

Qua Facebook ông ta báo tin là vào lúc 10 giờ sáng ngày Chủ Nhật 20/11 ông sẽ mặc chiếc áo dài đỏ với sao vàng đến Quận Cam.

Thông báo này đã gây sóng gió trong cộng đồng người Việt ở Little Saigon. Nhiều người phản đối Hùng Cửu Long đã chờ ông ta ở trước thương xá Phước Lộc Thọ. Nhưng khi ông xuất hiện, trễ chừng một tiếng đồng hồ, ông không mặc áo dài đỏ với sao vàng.

Tuy nhiên ông vẫn bị la ó phản đối, mắng chửi và có xô xát nhẹ. An ninh của thương xá đã mời ông ra khỏi bãi đậu xe và cuối cùng cảnh sát thành phố Westminster đã đến để bảo vệ an ninh cho ông trước sự phẫn nộ của nhiều người.

Việc phản đối sự hiện diện của Hùng Cửu Long lại làm nổi lên tranh luận về quyền tự do biểu đạt tại Hoa Kỳ.

Toàn văn Tu chính án Số 1. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Toàn văn Tu chính án Số 1. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Tu chính án Số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do phát biểu, tự do báo chí và tự do hội họp một cách ôn hòa của người dân, cũng như tự do tôn giáo và quyền khiếu kiện.

Quyền tự do phát biểu và hội họp ở đây được bảo vệ là ở những nơi công cộng, thuộc về nhà nước. Còn tại những nơi thuộc về tư nhân, người biểu tình không được phép đến đó muốn nói gì cũng được vì nếu chủ nhân không đồng ý có thể đuổi đi.

Nói chung, nhà nước bảo đảm quyền tự do phát biểu của người dân trong không gian công cộng, ở những chỗ thuộc về thành phố, tiểu bang hay liên bang.

Nếu bạn đọc xem những khúc phim ghi lại lúc ông Hùng xuất hiện, bị nhiều người xúm vào sỉ vả, sau đó được an ninh đưa ra khỏi bãi đậu xe của thương xá, vì thuộc về chủ nhân thương xá. Ra đến lề đường Bolsa, thuộc về thành phố, thì ông được cảnh sát Westminster bảo vệ.

Trường hợp của Hùng Cửu Long, như đã thấy, ông ta bị la ó, chửi bới và có người đã xô đẩy khiến ông bị sây sát nhẹ, như ông khai với cảnh sát. Trong tình huống như thế, cảnh sát có nhiệm vụ phải bảo vệ cho bất cứ một cá nhân nào, khi an ninh bản thân của người đó bị đe dọa.

Nếu ông Hùng có mặc áo có hình cờ đỏ sao vàng, chắc chắn cảnh sát sẽ không bắt ông cởi áo ra vì cảnh sát không thể cấm cản một người muốn phát biểu quan điểm. Nhiệm vụ của cảnh sát là bảo đảm an ninh cho ông ta.

Tuy nhiên, nếu ông Hùng có quyền tự do biểu đạt thì những người khác cũng có quyền đó và nếu họ la ó, phản đối ông thì cũng là chuyện bình thường. Nếu có ai bạo động, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Quyền tự do biểu đạt là quan trọng trong đời sống Mỹ. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Quyền tự do biểu đạt là quan trọng trong đời sống Mỹ. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ngay cả tổng thống hay lãnh đạo Hoa Kỳ nhiều khi đến một nơi nào đó và gặp người biểu tình, cả bênh lẫn chống với biểu ngữ, với những tiếng hoan hô, đả đảo rất ồn ào, thì cảnh sát cũng chỉ làm rào cản giữa hai phía để phòng ngừa xung đột, chứ không hề ngăn cản những lời phát biểu hay la ó của đám đông.

Năm 1999, cách thương xá Phước Lộc Thọ vài khu phố, chủ tiệm HiTek Video là Trần Trường đã đem hình Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng treo trong tiệm và đã gây phản ứng mãnh liệt từ cộng đồng người Việt ở đây qua nhiều cuộc biểu tình phản đối kéo dài 53 ngày đêm, có lúc lên đến hàng vạn người tham gia, và cũng đã có xô xát trước cửa tiệm với Trần Trường.

Các tổ chức bảo vệ dân quyền bênh vực cho quyền tự do biểu đạt của Trần Trường trước tòa và một vị chánh án đã thừa nhận việc làm của ông ta được Hiến pháp bảo vệ.

Nhưng rồi chủ nhân khu thương mại hủy bỏ hợp đồng thuê mướn cơ sở của Trần Trường vì hành động của ông đã gây bất an, làm cản trở việc buôn bán tại khu vực. Nhà chức trách khám tiệm và còn tìm ra những bằng chứng ông ta sang băng lậu.

Hết hợp đồng thuê mướn, các biểu tượng cộng sản trong tiệm bị dẹp bỏ. Thế là vụ việc được giải quyết.

Diễn biến của sự kiện này được ghi lại trong phim tài liệu Saigon, USA do Lindsey Jang và Robert C. Winn thực hiện năm 2003 và đã được chiếu trên hệ thống truyền hình PBS của Mỹ.

Trong phim, nhiều người Việt cho rằng hành động của Trần Trường khi đem cờ đỏ sao vàng và hình Hồ Chí Minh treo giữa Little Saigon là hành động mang tính khiêu khích. Nhà văn Andrew Lâm so sánh việc làm đó như đem hình Hitler vào nơi có đông người Do Thái sinh sống hay đem hình Fidel Castro đến Little Havana.

Sau vụ Trần Trường, nhiều nơi tại Hoa Kỳ người Việt đã vận động các dân cử từ cấp tiểu bang, xuống đến quận hạt, thành phố đưa ra những nghị quyết chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của người Việt tự do.

Nhiều thành phố như Westminster, Garden Grove, Santa Ana, San Jose còn có những nghị quyết đòi hỏi những ai đón tiếp các phái đoàn cộng sản Việt Nam phải thông báo cho thành phố biết trước hai tuần để có đủ thời giờ và nhân lực chuẩn bị giữ an ninh và đối phó với người biểu tình.

Các quan chức nhà nước Việt Nam như Bí thư Lê Thanh Hải, các Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về người Việt ở nước ngoài là Nguyễn Phú Bình, Nguyễn Thanh Sơn, Vũ Hồng Nam đến California cũng chỉ tiếp xúc với một số doanh nhân tại các cơ sở thương mại hay nhà riêng của họ.

Năm 2007 Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến California đã chọn một khách sạn tại thành phố Dana Point ở cực nam của Quận Cam, khá xa trung tâm Little Saigon, để gặp gỡ người Việt, nhưng bên ngoài vẫn có hàng nghìn người biểu tình phản đối.​

Thành phố Chicago trước đây có McCormick Freedom Museum là nơi trưng bày những sự kiện và tài liệu về Tu chính án Số 1. (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Thành phố Chicago trước đây có McCormick Freedom Museum là nơi trưng bày những sự kiện và tài liệu về Tu chính án Số 1. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Hùng Cửu Long đến Mỹ, mang cờ đỏ đi nhiều nơi không bị khó khăn hay phản đối, nhưng khi đến Little Saigon gặp sự cố nên có ý kiến cho rằng ông không được tự do biểu đạt ở đó.

Xin kể lại câu chuyện vui sau đây được loan truyền trong giới sinh viên Đại học Berkeley vào những năm đầu thập niên 1980.

Một sinh viên Mỹ và một sinh viên Nga ngồi nói chuyện với nhau về quyền tự do biểu tình và phát biểu chính kiến ở nước mình.

Sinh viên Mỹ nói ở Hoa Kỳ người dân được quyền chống chính phủ mà không sợ bị cảnh sát bắt. Bằng chứng là thường có người biểu tình trước Tòa Bạch Ốc la lớn “Đả đảo Reagan” mà cảnh sát đứng đó không bắt giam ai hết.

Đến lượt mình, anh sinh viên Nga kể rằng ở nước anh cũng tự do như thế thôi. Nhiều người đứng trước Điện Cẩm Linh ở Quảng trường Đỏ la lớn “Đả đảo Reagan” mà cảnh sát cũng đâu có bắt ai bỏ tù.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG