Đường dẫn truy cập

Việt Nam, đã đến thời điểm không cần đầu tư cho biểu diễn dân chủ!


Ông Lương Cường tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, ngày 21 tháng 10, tại Hà Nội. Ông Tô Lâm thôi làm Chủ tịch nước, ông Lương Cường kế nhiệm, không có bất kỳ thông báo nào từ BCH TƯ.
Ông Lương Cường tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, ngày 21 tháng 10, tại Hà Nội. Ông Tô Lâm thôi làm Chủ tịch nước, ông Lương Cường kế nhiệm, không có bất kỳ thông báo nào từ BCH TƯ.

Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa có Chủ tịch Nhà nước (CTNN) thứ 13. Nếu quan sát các diễn biến và đối chiếu những thông tin có liên quan đến các CTNN gần đây của Việt Nam hẳn sẽ thấy, đảng CSVN chẳng cần đầu tư cho biểu diễn dân chủ nữa.

Ông Tô Lâm CTNN thứ 12 là nhân vật lập kỷ lục về thời gian tại nhiệm (chỉ 152 ngày, tính từ 22/5/2024 đến 21/10/2024). Lối ông lên và đường ông xuống có rất nhiều điểm thú vị để ngẫm nghĩ về “dân chủ” và “ổn định chính trị” tại Việt Nam.

***

Ngày 20/3/2024, ông Võ Văn Thưởng – CTNN thứ 11 “từ chức”. Theo Điều 93 của Hiến pháp Cộng hòa XHCN Việt Nam [1], bà Võ Thị Ánh Xuân – Phó CTNN lại trở thành Quyền CTNN.

Đó là lần thứ hai trong vòng ba năm, bà Xuân đảm nhận vai trò Quyền CTNN. Lần đầu, bà Xuân đảm nhận vai trò Quyền CTNN sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc – CTNN thứ 10 từ chức (18/1/2023), song bà chỉ là Quyền CTNN trong 43 ngày (từ 18/1/2023 đến 2/3/2023). Lần sau, bà Xuân cũng chỉ sắm vai Quyền CTNN trong vòng 62 ngày (từ 21/3/2024 đến 22/5/2024) rồi... thôi. Điều đó cho thấy, ở Việt Nam, mức độ ổn định của công việc Phó CTNN thua cả... tổ trưởng tổ dân phố!

CTNN cũng thế! Theo Hiến pháp, nhiệm kỳ của CTNN tương đương với nhiệm kỳ Quốc hội. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 từ 2021 đến 2026 và chỉ mới ba năm chín tháng, Quốc hội có tám lần “nhất trí” bầu và “nhất trí” miễn nhiệm năm CTNN: Nguyễn Phú Trọng (4/2021), Nguyễn Xuân Phúc (4/2021 và 1/2023), Võ Văn Thưởng (3/2023 và 3/2024), Tô Lâm (5/2024 và 10/2024), giờ là ông Lương Cường. Cả năm CTNN đều do BCH TƯ đảng “lựa chọn, giới thiệu” cho Quốc hội “biểu quyết” lên rồi “biểu quyết” xuống!

Cả BCH TƯ đảng lẫn Quốc hội đều có vấn đề nghiêm trọng về nhận thức nên liên tục gặp trục trặc khi đẩy tới, kéo lui các cá nhân đảm nhiệm vai trò nguyên thủ quốc gia hay còn lý do nào khác?

Đảng CSVN luôn vỗ ngực tự hào về sự “đoàn kết, thống nhất” và luôn khẳng định, sở dĩ họ giành giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối bởi những cá nhân mà họ lựa chọn đều “thật sự tiêu biểu, nổi trội, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược[2], song chưa bao giờ giải thích tại sao việc sắp đặt nhân sự lại hỗn loạn tới mức chưa từng thấy ở đâu, chưa từng có thời nào như thế?

Đảng CSVN luôn phủ nhận việc đã phân hóa thành nhiều phe, nhiều nhóm, các phe, các nhóm vừa triệt hạ, vừa liên kết để tranh giành, chia chác quyền lực nhưng chưa bao giờ lý giải: Tại sao, Hiến pháp đã xác định Phó CTNN có thể đảm nhiệm vai trò CTNN khi vị trí này bị khuyết, Phó CTNN cũng do Quốc hội bầu, trong quá khứ, những người cộng sản tiền nhiệm đã từng để ông Nguyễn Hữu Thọ đảm nhận vai trò Quyền CTNN khi ông Tôn Đức Thắng (CTNN đầu tiên của Cộng hòa XHCN Việt Nam) qua đời cho đến khi Quốc hội khóa 6 mãn nhiệm, các ĐBQH khóa 7 mới bầu CTNN khác là ông Trường Chinh, mà những người cộng sản thuộc thế hệ hậu sinh lại dứt khoát biến Phó CTNN thành nhân vật chỉ “đẩy ra” trong giai đoạn chưa thỏa hiệp về nhân sự chủ chốt và thản nhiên “kéo vào” lúc đã “done deal”? Chẳng lẽ đó là thành quả của “đổi mới thể chế”? Tại sao chính trị “ổn định” mà bầu và miễn nhiệm CTNN trở thành “điệp khúc”, chỉ trong vòng chưa đầy bốn năm, lập đi, lập lại tới tám lần?

***

Tháng 3/2024, ông Võ Văn Thưởng bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, thôi làm Chủ tịch Nhà nước (CTNN). Tháng 4/2024, tới lượt ông Vương Đình Huệ bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, thôi làm Chủ tịch Quốc hội. Sáu tuần sau (16/5/2024), bà Trương Thị Mai chia sẻ số phận của ông Thưởng, ông Huệ và thôi làm Thường trực Ban Bí thư. Đến thời điểm đó, nhân số Bộ Chính trị chỉ còn 12/18 vì trước đó đã có ba người khác bị loại khỏi Bộ Chính trị (Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc).

Tuy Bộ Chính trị còn 12 thành viên nhưng theo Qui định 214-QĐ/TW thì chỉ còn ba cá nhân đủ “tiêu chuẩn” đảm nhận vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng là các ông Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính và Tô Lâm vì “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lênmà không cần BCH TƯ đảng CSVN quyết định là “trường hợp đặc biệt[3]. Cũng vì vậy, sau khi bà Mai bị tước sạch mọi thứ, ông Tô Lâm trở thành ứng viên duy nhất cho vai trò CTNN.

Việc ông Tô Lâm được chọn làm CTNN được BCH TƯ đảng khóa này công bố qua Thông báo về Hội nghị lần thứ chín (16/5/2024 - 18/5/2024) “để đảng đoàn Quốc hội giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15[4]. Đó là thông lệ giống như bất biến. Tuy nhiên chuyện mới đây, ông Tô Lâm thôi làm CTNN và ông Lương Cường kế nhiệm lại không có bất kỳ thông báo nào từ BCH TƯ. Hội nghị lần thứ mười (18/9/2024 - 20/9/2024) không đả động gì đến việc sẽ thay đổi CTNN [5].

Tương tự, trước khi Quốc hội khóa này khai mạc Kỳ họp thứ bảy, hôm 19/5/2024, khi giới thiệu nghị trình, Tổng Thư ký Quốc hội, chỉ đề cập đến việc bầu tân Chủ tịch Quốc hội và tân CTNN. Trước thắc mắc của báo giới, ông ta thản nhiên trả lời: “Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 chưa giới thiệu Bộ trưởng Bộ Công an vì thế Quốc hội chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm chức danh này[6]. Bởi điều đó hết sức bất thường, nhiều giới phản ứng gay gắt, đòi giải thích tại sao lại để CTNN kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an nên ba ngày sau (21/5/2024), “kịch bản” được điều chỉnh, ông Cường xin “bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an” vào nghị trình [7]. Nhìn một cách tổng quát, con đường ông Tô Lâm trở thành CTNN và thôi làm CTNN song không có thông tin miễn nhiệm [8] là một chuỗi những yếu tố chưa hề có tiền lệ!

Dân chủ XHCN dẫu thiên về biểu diễn (Quốc hội bỏ phiếu theo quyết định đẩy lên hay kéo xuống của BCH TƯ đảng) nhưng những diễn biến mới nhất cho thấy, tình thế đã đến mức không thể chuẩn bị hoặc không cần biểu diễn.

Đó là “nghẽn” hơn hay đã “thông” nhờ toàn đảng ra sức “đột phá” từ 2011 tới nay?

Chú thích

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

[2] https://tienphong.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-noi-ve-nhan-su-duoc-lua-chon-post1668287.tpo

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quy-dinh-214-QD-TW-2020-tieu-chuan-chuc-danh-can-bo-thuoc-dien-Ban-Chap-hanh-Trung-uong-433545.aspx

[4] https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/thong-bao-hoi-nghi-lan-thu-chin-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-665379.html

[5] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thong-bao-hoi-nghi-lan-thu-10-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-119240921103923213.htm

[6] https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-chua-phe-chuan-hoac-mien-nhiem-chuc-danh-bo-truong-bo-cong-an-1341846.ldo

[7] https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-hoi-se-mien-nhiem-chuc-vu-bo-truong-bo-cong-an-665525.html

[8] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ngay-21-10-khai-mac-trong-the-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-119241020093638368.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG