Đường dẫn truy cập

Từ Dallas, ‘Dòng Chuyển Của Âm Thanh’ khơi niềm hy vọng


Nhạc sĩ Lê Văn Khoa.
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Mở màn chương trình là tiết mục Dạ Cổ Hoài Lang rất độc đáo của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua giọng ca và tiếng đàn kìm của nghệ sĩ Chí Tâm, tiếng đàn bầu Hải Yến, ngón đàn tranh Lily Nguyễn và tiếng trống Ian Bùi.

Đinh Yên Thảo


Những tràng pháo tay kéo dài sau mỗi màn trình diễn của các nghệ sĩ, cả khán phòng gần một ngàn khán giả im lặng, thả cảm xúc vào từng bản nhạc. Khó có thể diễn tả hết những cảm xúc lẫn lộn của mỗi khán giả đã theo dõi trọn vẹn một chương trình nhạc thính phòng dài hơn ba tiếng đồng hồ cho đến tận phút chót, mà theo lời Nhạc sĩ Lê Văn Khoa phát biểu trên sân khấu: "Lần đầu tiên trên thế giới" có một chương trình âm nhạc Việt Nam như vậy.

Nghệ sĩ Ngọc Hà.
Nghệ sĩ Ngọc Hà.

Đó là không khí chung của đêm nhạc thính phòng "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" (A Legacy of Sounds) được tổ chức tại trung tâm nghệ thuật Allen HS Performing Art Center vào tối thứ Bảy ngày 6 tháng Tư năm 2024 vừa qua, với sự trình diễn của những nghệ sĩ tài năng gốc Việt cùng dàn đại hoà tấu và hợp xướng The Allen Philharmonic Orchestra & Symphony Chorus của thành phố Allen thuộc khu vực Dallas, Texas.

Nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt cùng dàn giao hưởng.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt cùng dàn giao hưởng.

Theo lời Ban Tổ Chức, "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" là sự kết hợp Đông-Tây độc đáo, mang những thang âm mới mẻ, chưa từng được công diễn bất cứ nơi nào qua những tiếng đàn bầu, đàn kìm, đàn tranh, đàn T'rưng hoà quyện cùng dàn nhạc giao hưởng và ban hợp xướng Tây phương. Từ vọng cổ Cao Văn Lầu cho đến opera, từ nhạc sĩ Lê Văn Khoa cùng các nhạc sĩ qua nhiều thế hệ như Lê Thương, Phạm Duy, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn… Từ những tài danh Việt- Mỹ từng đoạt giải thưởng âm nhạc Grammy danh giá cho đến các nhà soạn nhạc trẻ tài năng gốc Việt đang tạo tiếng vang tại hải ngoại, chương trình là câu chuyện kể về chiến tranh và ước vọng hoà bình, về những mất mát trong hành trình tìm tự do.

Từ trái: Hila Plitmann, Teresa Mai, Pianist Robert Thies và Danaë Xanthe Vlasse cùng nhạc trưởng Ryan Ross.
Từ trái: Hila Plitmann, Teresa Mai, Pianist Robert Thies và Danaë Xanthe Vlasse cùng nhạc trưởng Ryan Ross.

Thật vậy, "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" là cuộc hội ngộ văn hóa hiếm hoi tại Mỹ, không chỉ giới thiệu nhạc Việt và những tài năng trình diễn và sáng tác nhạc cổ điển gốc Việt đến các khán giả Mỹ mà còn mang đến cho khán giả Việt một hành trình âm nhạc Việt Nam, những hoài niệm về lễ hội trăng rằm, những ngày quê hương thanh bình, cùng niềm tự hào và hy vọng về một thế hệ trẻ gốc Việt đang bước vào lãnh vực nghệ thuật chưa mấy được phổ biến trong cộng đồng.

Có thể xem đây như một chương trình nhạc Lê Văn Khoa với phần lớn các tác phẩm được trình diễn là do ông soạn nhạc. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa sinh năm 1933, có thiên khiếu âm nhạc từ rất trẻ. Là một nhạc sĩ đa tài, ông sáng tác ca khúc, viết đại hợp ca-hoà tấu, được một số dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng Mỹ và thế giới trình diễn. Nhạc của ông khoan thai, trữ tình, thấm đượm tình quê hương. Niềm đam mê về âm nhạc của ông từng được ông diễn bày rằng, "Âm nhạc là tấu khúc của vũ trụ, nhà soạn nhạc chỉ có khả năng nghe và ghi lại một vài điểm nhỏ của tấu khúc vĩ đại ấy để chia sẻ với đồng loại". Ông còn một nhiếp ảnh gia có giải thưởng, tác phẩm được trưng bày tại vài quốc gia trên thế giới và có mang sang triển lãm tại Dallas trong lần này.

Từ trái: Nhạc sĩ Ian Bùi, nhạc sĩ Patrick Vũ, Sumo, nhạc trưởng Jon Lê Culpepper và ca sĩ Phạm Hà.
Từ trái: Nhạc sĩ Ian Bùi, nhạc sĩ Patrick Vũ, Sumo, nhạc trưởng Jon Lê Culpepper và ca sĩ Phạm Hà.

Với gần 20 tiết mục, mỗi tiết mục đều mang một sắc thái và phong cách riêng biệt, đã mang lại sự bất ngờ, thú vị lẫn cảm kích cho khán giả hiện diện, trong đó có không ít khán giả đến từ các thành phố trong và ngoài Texas.

Ca sĩ Teresa Mai và Hila Plitmann trình bày Diễm Xưa.
Ca sĩ Teresa Mai và Hila Plitmann trình bày Diễm Xưa.

Mở màn chương trình là tiết mục Dạ Cổ Hoài Lang rất độc đáo của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua giọng ca và tiếng đàn kìm của nghệ sĩ Chí Tâm, tiếng đàn bầu Hải Yến, ngón đàn tranh Lily Nguyễn và tiếng trống Ian Bùi.

Đó là giọng nam cao Tenor cuồn cuộn, âm vang của nghệ sĩ Phạm Hà trong các ca khúc Ca Ngợi Tự Do, Mơ Về Quê Tôi của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Đó là tiếng hát thánh thót của nghệ sĩ Ngọc Hà, phu nhân của nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng qua các ca khúc của ông như Chiều Thu và Sài Gòn Của Tôi của nhạc sĩ Ian Bùi.

Nghệ sĩ cello Sumo (Liaminh Bùi) độc tấu "Ngày Mai Chia Tay" cùng dàn giao hưởng.
Nghệ sĩ cello Sumo (Liaminh Bùi) độc tấu "Ngày Mai Chia Tay" cùng dàn giao hưởng.

Đó là ca khúc rất cảm động Đừng Đứng Bên Mộ Tôi Mà Khóc (Do Not Stand at My Grave and Weep) của thi sĩ Clare Harner, được nhạc sĩ Patrick Vũ soạn nhạc và ban hợp xướng Dallas Chamber Choir trình diễn dưới sự điều khiển của nhạc trưởng gốc Việt Jon Lê Culpepper để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng tại Allen.

Đó là ngón đàn guitar điêu luyện của nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt hay tiếng cello sâu lắng của Sumo, tức Liaminh Bùi và tiếng đàn tranh réo rắt, vui nhộn diễn đạt trong tác phẩm Trăng Rằm của nghệ sĩ Hải Yến cùng dàn giao hưởng.

Nhạc sĩ Dylan Trần.
Nhạc sĩ Dylan Trần.

Và chắc chắn là các tiết mục độc đáo trong giọng hát lẫn diễn xuất tuyệt vời của hai nghệ sĩ giọng nữ cao Soprano là Teresa Mai và Hila Plitmann trong ca khúc Diễm Xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhạc sĩ Duy Trần hòa âm và đệm dương cầm. Ca sĩ tài sắc Teresa Mai với nghệ danh Sangeeta Kaur, mang ý nghĩa là "Nàng công chúa âm nhạc và khúc thanh âm" là người Việt đầu tiên giành giải Grammy vào năm 2022 (hạng mục ‘Album giọng hát solo cổ điển xuất sắc nhất’) và ca sĩ Hila Plitmann gốc Do Thái đã hai lần được trao giải Grammy.

Giám đốc điều hành Diễm Tú, nghệ sĩ Hải Yến và Chủ Tịch The Allen Philharmonic Kathy Litinas.
Giám đốc điều hành Diễm Tú, nghệ sĩ Hải Yến và Chủ Tịch The Allen Philharmonic Kathy Litinas.

Cả hai còn trình diễn thêm chung bản opera cổ điển Andromeda trong album nhạc chuẩn bị được phát hành là Mythologies II, do nhà soạn nhạc cũng từng nhận giải Grammy và cùng xuất hiện trên sân khấu là Danaë Xanthe Vlasse. Khúc opera này được Robert Thies, một dương cầm thủ lừng danh, từng trình diễn chung các dàn đại hòa tấu các quốc gia và cho các nhà sản xuất phim, soạn nhạc tại Mỹ đệm nhạc.

Ba ca khúc trong trường ca Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương được ban hợp xướng Allen trình bày dưới sự phụ họa các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam từ các nghệ sĩ Chí Tâm, Hải Yến và các giọng ca Ngọc Hà, Phạm Hà là một tiết mục thật xuất sắc, vang vọng và hào hùng, cũng như bài hát kết thúc chương trình “Việt Nam, Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy đã được khán giả đồng loạt đứng dậy vỗ tay hát theo các nghệ sĩ, có lẽ là giây phút xúc động nhất với những người tham dự.

Nhạc sĩ Duy Trần, nhà sản xuất chương trình.
Nhạc sĩ Duy Trần, nhà sản xuất chương trình.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, nhạc trưởng Jon Lê Culpepper viết rằng, anh lớn lên và theo đuổi đam mê trong môi trường không có nhiều nhạc sĩ cổ điển người Việt thì chương trình "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" có lẽ đã mang lại cho anh và khán giả người Việt một cơ hội được gặp gỡ không chỉ nhạc sĩ Lê Văn Khoa mà cả những tài năng gốc Việt còn rất trẻ trong lãnh vực âm nhạc cổ điển này.

Đó là nhạc sĩ Patrick Vũ, sẽ tốt nghiệp cao học âm nhạc trong năm nay nhưng tác phẩm của anh đã được các dàn hợp xướng Mỹ trình diễn nhiều nơi và đã được National Concerts mời sáng tác một bản hợp xướng sẽ được trình diễn tại Carnegie Hall tại New York, là một trong những trung tâm trình diễn âm nhạc cổ điển uy tín và danh giá nhất thế giới. Đó là Dylan Trần từ Lousiana, nhà soạn nhạc và từng được nhiều giải thưởng sáng tác và có tác phẩm được trình diễn ra ngoài nước Mỹ, như tại Úc, Anh, Pháp, Áo, Phần Lan... Đó là Duy Trần, một cựu sinh viên cao học về nhạc phim tại USC và là nhà soạn nhạc có những khách hàng như Sony, Samsung..., các tác phẩm của anh từng xuất hiện trong các liên hoan phim như Sundance, Hollyshorts...

Nhạc sĩ Duy Trần cũng là nhà sản xuất chương trình "Dòng Chuyển Của Âm Thanh" này, người đã bỏ rất nhiều công sức để phân lại các tác phẩm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho từng nhạc cụ trong dàn giao hưởng, phối hợp cùng nhóm kỹ sư âm thanh và cùng với cô Diễm Tú để viết và đọc các mẩu giới thiệu Anh-Việt cho từng mỗi bản nhạc, mà đã nhận được khá nhiều lời khen ngợi.

Được chuẩn bị từ tháng Hai năm nay, có sự chấp thuận và ủng hộ của Chủ Tịch Kathy Litinas cùng ban quản trị The Allen Philharmonic tại thành phố Allen, Texas cùng các nhạc trưởng, giám đốc âm nhạc như Ryan Ross, Rusty King ..., anh Ian Bùi và cô Diễm Tú cũng là hai thành viên thuộc ban giám đốc của tổ chức này, đã dành rất nhiều công sức và thời gian để thực hiện cho chương trình công phu và quy mô này trong vai trò là các giám đốc chương trình. Từ việc mời các nghệ sĩ tham dự, tổ chức, quảng bá, tìm bảo trợ tài chính cho đến việc chuyển ngữ Anh-Việt, Việt-Anh lời các ca khúc được trình bày và phóng lên màn ảnh trong đêm diễn. Cũng nói thêm, Ian Bùi là dịch giả sang Anh ngữ cuốn hồi ký Kieu Chinh, An Artist in Exile của nữ tài tử Kiều Chinh.

Dạ Cổ Hoài Lang với các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam cùng dàn nhạc giao hưởng.
Dạ Cổ Hoài Lang với các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam cùng dàn nhạc giao hưởng.

Trên các trang Facebook cá nhân sau đêm diễn hay khi được phỏng vấn, không ít khán giả đã bày tỏ sự cảm ơn của họ gởi đến BTC, những nhạc trưởng, các nhạc công dàn giao hưởng cùng các ca sĩ ban hợp xướng, các nhân viên hậu trường và những nhà bảo trợ Việt Nam như Studio Hill, Cindi's Restaurant, SuTi Craft Distillery, Saigon Block ... cùng các cơ quan truyền thông Việt ngữ đã góp phần mang đến cho họ một chương trình vô cùng đặc sắc và ý nghĩa này, tạo cho người xem nhiều cảm xúc đến như vậy.

Nhưng không chỉ với khán giả mà hầu hết các nghệ sĩ, nhạc sĩ Mỹ-Việt trình diễn trong chương trình cũng đều đăng tải hình ảnh và cảm xúc của mình về chương trình quá đặc biệt, hội tụ nhiều tài năng hai nền văn hóa trên cùng một sân khấu. Trên trang facebook của mình, nhạc sĩ Patrick Vũ bày tỏ rằng, một trong những ít dịp tôn vinh âm nhạc, văn hóa và cộng đồng Việt Nam như vậy đã giúp anh nhận thức được nguồn cội của mình và cảm thấy tự hào mình là người Việt Nam mà có đôi khi anh không cảm thấy mình là người Việt Nam.
Khi được hỏi cảm nghĩ về chương trình, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã trả lời rằng, điều ông vui nhất là chúng ta đã đưa nhạc Việt âm vang, hoà vào với nhạc giao hưởng Tây Phương và khán giả Việt lần đầu được nghe ban hợp ca Mỹ trình bày một số ca khúc Việt quen thuộc. Ông cũng nói thêm rằng, các nhạc sĩ Mỹ trong chương trình đều bày tỏ sự thích thú và cảm ơn ông đã biên soạn những tấu khúc Việt Nam mà lần đầu tiên họ trình diễn.
Còn với ca sĩ Teresa Mai, cô cho biết không chỉ rất vui đã tham gia trình diễn trong chương trình mang lại những cảm xúc lạc quan cho khán giả mà còn vui hơn khi lần đầu gặp được những nhạc sĩ, nhạc trưởng thuộc thế hệ gốc Việt thứ nhì đầy hứa hẹn và hy vọng, mang tài năng và đam mê ở một cung bậc cao hơn đến với âm nhạc Hoa Kỳ và thế giới.

Diễn đàn

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG