Người đứng đầu NATO nói rằng các thành viên trong liên minh đều đoàn kết trong lập trường đối với Nga, một sự đồng thuận mà Liên minh Bắc Đại Tây Dương từ nhiều năm nay không có được.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban tiếng Serbia của VOA, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Hai khẳng định quyết tâm của NATO, đẩy mạnh công cuộc phòng thủ chung trong khi vẫn tiếp tục đối thoại với Nga.
Ông Stoltenberg nói:
"Cách tiếp cận song song, có nghĩa là chúng ta phải đủ mạnh để có thể vừa răn đe vừa phòng thủ, là lý do tại sao chúng ta đang thực thi một chương trình quy mô nhằm củng cố sức mạnh phòng thủ chung trong lúc này, như một phản ứng trước những gì Nga đã làm ở Ukraine. Đây không phải là một cuộc đối thoại dễ dàng, nhưng đó chính là lý do tại sao đối thoại lại quan trọng."
Lối tiếp cận này là một hình thức hiện đại của quyết định "song song" của NATO trong thời Chiến tranh Lạnh, liên kết việc triển khai các lực lượng hạt nhân tầm xa của Mỹ với những đề nghị đàm phán với Moscow về các lực lượng Liên Xô ở Đông Âu.
Trong những tháng gần đây, phòng thủ NATO là trọng tậm trong nghị trình khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Châu Âu và kêu gọi các quốc gia NATO khác hãy tăng ngân sách quốc phòng.
Trước sự thất vọng của nhiều đồng minh NATO, ông Trump không đề cập đến sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Điều 5, nguyên tắc sáng lập của NATO là phòng thủ tập thể, khi ông phát biểu trước cuộc họp thượng đỉnh quy tụ các nguyên thủ quốc gia NATO tại Brussels hồi tháng trước.
Tuy nhiên ông Stoltenberg nói rằng các thành viên trong chính quyền Trump, kể cả tổng thống, đã lên tiếng ủng hộ NATO trong nhiều dịp khác.
"Tổng thống Trump đã khẳng định trong nhiều cuộc họp khác nhau và trong một cuộc họp báo với tôi tại Toà Bạch Ốc hồi tháng Tư, rằng ông duy trì cam kết đối với NATO", ông Stoltenberg nói.
Ông nói thêm rằng cam kết đó không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động.
“Đề nghị ngân sách do chính quyền Trump đề xuất cách đây một tuần gồm một khoản tăng 40% tiền tài trợ cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Châu Âu. Thêm quân, thêm các cuộc diễn tập, đầu tư nhiều hơn vào cấu trúc hạ tầng và tăng cung cấp thiết bị. Tất cả những điều đó nêu bật, và cho thấy sự cam kết của Hoa Kỳ đối với NATO. ”
Bây giờ thì quyết định nằm trong tay quốc hội Mỹ, thông qua một tiến trình lâu dài, sẽ quyết định bao nhiêu phần trăm đề xuất ngân sách của ông Trump sẽ trở thành chi tiêu trên thực tế, nhưng ông Trump đã nói rõ rằng ông muốn tăng ngân sách quốc phòng.
Về lời kêu gọi của ông Trump, yêu cầu các nước đồng minh làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố, Tổng Thư Ký Stoltenberg nói liên minh NATO đã đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống khủng bố.
"Quý vị phải nhớ rằng nỗ lực quân sự lớn nhất từ trước tới nay của chúng tôi là sự hiện diện của chúng tôi ở Afghanistan. Lý do chúng tôi có mặt ở Afghanistan là để ngăn chặn đất nước này trở thành một nơi trú ẩn an toàn cho những phần tử khủng bố quốc tế", ông nói.
"Chúng tôi đã quyết định tham gia liên minh quốc tế chống ISIL trong khuôn khổ một kế hoạch hành động rộng lớn hơn chống lại chủ nghĩa khủng bố. Đây là một tín hiệu chính trị mạnh mẽ, nhưng cùng lúc, nó cung cấp một nền tảng cho sự hợp tác và phối hợp tốt hơn với các nỗ lực của liên minh."
Tổng Thư Ký Stoltenberg nói các cuộc tấn công khủng bố như cuộc tấn công ở London và Manchester hồi gần đây không còn chỉ là một vấn đề an ninh cho châu Âu.
"Chúng ta cần có một hướng tiếp cận toàn diện. Tất nhiên, chúng ta cần có cảnh sát, lực lượng thực thi pháp luật, tình báo dân sự, nhưng chúng ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chính trị và ý thức hệ chống lại hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan như thế này. Chúng ta còn cần phải giải quyết một phần sự bất ổn, tình huống đã trở thành một động lực, hậu thuẫn cho các cuộc tấn công mà chúng ta đang chứng kiến xảy ra trên các đường phố của chúng ta.
"NATO đã thành lập một bộ phận đặc biệt để tăng cường chia sẻ tin tình báo giữa các đồng minh để có thể chống khủng bố từ Trung Đông hay những nơi khác, một cách hữu hiệu hơn.”
Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên NATO, đã chứng kiến một số cuộc tấn công khủng bố, ông Soltenberg lưu ý rằng không một đồng minh NATO nào hứng chịu nhiều gian khổ hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này đã chứng kiến một cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái, nhưng ông Stoltenberg nêu lên rằng các quan tâm về an ninh không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ làm bất cứ điều gì họ muốn. Ông nói:
“Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ chống các cuộc tấn công khủng bố, và có quyền truy tố những kẻ đứng sau cuộc đảo chính bất thành. Thế nhưng cùng lúc, họ phải làm những việc ấy dựa trên quyền pháp trị và trên căn bản các giá trị dân chủ của chúng ta, tôi đã nêu rõ những điểm ấy trong các cuộc họp ở Ankara.”
Chiến dịch đàn áp của Thổ Nhĩ Kỳ đối với phe đối lập và báo chí trong nước đã gây căng thẳng cho mối quan hệ với một số quốc gia NATO. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một thành viên quan trọng để đối phó với những thách thức mà NATO đang phải đối mặt.
Tổng Thư Ký NATO kết luận:
"Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng không những vì vị trí địa chiến lược - giáp ranh với Syria và Iraq, và giáp với Nga trong Biển Đen - Thổ Nhĩ Kỳ còn là một nước có vai trò thiết yếu giúp châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng di dân. Các tàu hải quân của NATO đang có mặt trên Biển Aegean, giúp ngăn chặn làn sóng người di dân, đó là điều không thể nào thực hiện được nếu không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai nước thành viên NATO."