Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hồi cuối tuần đã sử dụng một diễn đàn hàng đầu về an ninh khu vực để trấn an châu Á rằng Hoa Kỳ không rút khỏi cam kết lâu dài của họ đối với khu vực.
Ông Mattis lưu ý rằng ông chủ yếu tham gia Đối thoại Shangri-La để lắng nghe.
Sáng Chủ nhật, ông đã có cuộc gặp đặc biệt với toàn bộ 10 lãnh đạo quốc phòng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu của ông, là diễn văn thực sự đầu tiên của chính quyền ông Trump trước toàn khu vực, ông Mattis nói về tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và làm thế nào để mọi quốc gia, cả lớn lẫn nhỏ, đều có tiếng nói trong việc định hình hệ thống quốc tế.
Ông nói Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, cả ông Mattis lẫn Ngoại trưởng Rex Tillerson đều đã thực hiện một số chuyến đi đến khu vực, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, điều này thể hiện rõ cam kết lâu dài của Washington đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Ông phát biểu: "Sự cam kết lâu dài này dựa trên các lợi ích chiến lược và các giá trị chung là người dân tự do, các thị trường tự do, và một quan hệ đối tác kinh tế sôi động và mạnh mẽ, một quan hệ đối tác cởi mở đối với tất cả các quốc gia bất kể quy mô, dân số hay số lượng tàu trong hải quân, hoặc bất kỳ tiêu chuẩn nào khác".
Ông cũng cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mở rộng khả năng làm việc với các nước khác để đảm bảo một châu Á hòa bình, thịnh vượng và tự do, một châu lục tôn trọng tất cả các quốc gia đang duy trì luật pháp quốc tế.
Ông nói: "Chúng tôi không nhận thấy không quốc gia nào là một hòn đảo cô lập khỏi các quốc gia khác, chúng tôi sát cánh với các đồng minh và cộng đồng quốc tế cùng giải quyết các thách thức an ninh bức bách”.
Ông Kurt Campbell, cựu trợ lý Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói bài phát biểu của ông Mattis đã mô tả tốt tính liên tục về quan điểm của Hoa Kỳ đối với khu vực.
Theo đánh giá của ông Campbell, bài phát biểu rất mạnh mẽ và có tác dụng trấn an, nhưng nó được đưa ra ngay sau khi Tổng thống rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuần trước, tại NATO, Tổng thống Trump đã không khẳng định điều 5 của Hiến chương NATO, là điều quy định rằng tấn công vào một nước là tấn công cả khối.
Ông Campbell nói ông Trump là tổng thống đầu tiên làm như vậy.
Những động thái chính sách của Tổng thống Donald Trump, dù là việc rút khỏi hiệp định Paris, hay việc ông rút khỏi nhóm các nước tham gia TPP, đều đã đặt ra những câu hỏi về con đường phía trước ở châu Âu và châu Á.
Ông Campbell nói rằng điều thấy rõ từ bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là có một khoảng cách không thể phủ nhận giữa các phương pháp tiếp cận truyền thống mạnh mẽ của các bộ trưởng Mattis, Tillerson, và những người khác so với cách làm của tổng thống.
Ông Campbell nói: "Chúng ta chưa có câu trả lời về việc chúng ta đang đi đến đâu liên quan đến TPP, chúng ta chưa có câu trả lời về thương mại, chúng ta chưa có câu trả lời về sự ủng hộ của chúng ta đối với các định chế. Khu vực hiện đang kiên nhẫn, họ đã chấp nhận là Hoa Kỳ đúng dù không có bằng chứng, nhưng điều đó sẽ không kéo dài được lâu hơn nữa".
Tuy nhiên, một số người không lo lắng, họ lưu ý rằng tổng thống Mỹ mới nắm quyền vài tháng và các quan chức của ông đã thường xuyên thăm khu vực, những điều này nêu bật cam kết liên tục với khu vực.