Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục tập trung vào mục tiêu làm sạch ngành sản xuất năng lượng quốc gia bằng bài diễn văn quan trọng hôm nay tại một thượng đỉnh ở Las Vegas.
Sự kiện này diễn ra khi ông Obama vừa trở lại làm việc sau kỳ nghỉ 2 tuần với một số vấn đề quan trọng phải đương đầu trong vài tháng tới, trong đó có việc thúc đẩy để thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran được Quốc hội thông qua trong lúc Quốc hội còn nhiều hoài nghi về thỏa thuận này.
Giữa lúc thế giới đang nỗ lực ký kết một thỏa thuận mang tính ràng buộc vào cuối năm nay để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, ông Obama cũng đang tập trung đến các cải cách trong nước hầu giảm lượng khí thải carbon.
Ban tổ chức cho biết Thượng đỉnh Năng lượng Sạch Quốc gia có mục đích tìm kiếm phương thức mà chính phủ và lĩnh vực tư nhân có thể cùng bắt tay vì giải pháp năng lượng sạch cũng như hiện đại hóa mạng lưới điện của Hoa Kỳ. Ngoài Tổng thống Obama, các diễn giả hôm nay còn có lãnh đạo các công ty cung cấp điện, các công ty kỹ nghệ năng lượng mặt trời, và một công ty sản xuất xe ô tô điện.
Trước đó trong tháng, Tổng thống Mỹ công bố những quy định mới dành cho các công ty năng lượng với mục tiêu từ nay đến năm 2030 cắt giảm lượng khí thải carbon gây ô nhiễm xuống 32% dưới mức của năm 2005.
Nếu được thực thi, kế hoạch này sẽ thúc đẩy lượng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo để có thể chiếm 28% tổng sản lượng điện.
Các công ty năng lượng trong những năm gần đây đã thay đổi một số hoạt động của mình, phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên, mặt trời và gió. Kết quả là, các dữ liệu của chính phủ cho thấy lượng khí thải carbon đã giảm đi từ các nhà máy điện đốt than đá.
Giảm lượng khí carbon thải vào bầu khí quyển là trọng tâm chính của các nỗ lực trên thế giới nhằm khống chế sự tăng nhiệt toàn cầu.
Tuần rồi, Cơ quan Khí quyển và Hải dương học Quốc gia của Mỹ ra phúc trình cho biết tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất được ghi nhận kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1880. Vẫn theo báo cáo này, tính tới nay, 2015 là năm nóng nhất theo ghi nhận.
Các đoàn đại biểu từ các nước trên thế giới sẽ tề tựu về Paris vào ngày 30/11 để tham dự gần 2 tuần hội đàm nhằm định ra cách đạt được mục tiêu không để cho nhiệt độ trái đất tăng hơn 2 độ C trên mức tiền công nghiệp. Đây là mức mà các nhà khoa học cảnh báo sẽ làm cho thời tiết trở nên cực kỳ khắc nghiệt và làm mực nước biển dâng cao. Các nước muốn có một thỏa thuận mang tính ràng buộc với các kế hoạch cụ thể mà mỗi một nước phải đạt được.
Thỏa thuận mới có thể sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020.